Ngày 4/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 20-KL/TW của Bộ Chính trị khóa IX; phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
|
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 9,75%/năm, bình quân 2 năm 2011-2012 tăng trưởng 8,18%; GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 20,23 triệu đồng, tăng 4 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2012 so với năm 2003 tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 38,18% xuống còn 26,64%, công nghiệp-xây dựng tăng từ 26,03% lên 31,95%, dịch vụ tăng từ 35,79% lên 41,41%.
Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là một tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Nghệ An đến năm 2020, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng Nghệ An thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng.
Bộ Chính trị nhất trí cao ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội Nghệ An đến năm 2020, gồm những chủ trương, chính sách, tư tưởng chỉ đạo lớn, với mong muốn sắp tới Nghệ An vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để đến năm 2020 đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra - cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật vị trí, vai trò quan trọng, tiềm năng lợi thế, cũng như đòi hỏi Nghệ An phải tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Tổng Bí thư nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Nghệ An cần đổi mới tư duy theo hướng đi lên bằng chính sức mạnh nội lực; đặt sự phát triển của Nghệ an trong sự phát triển chung của vùng, có sự liên kết, gắn kết với các địa phương xung quanh.
Phát huy mạnh nội lực thông qua phát triển các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; phát huy tối đa các nguồn lực, không chỉ đề nghị Trung ương hỗ trợ, mặc dù sự hỗ trợ của Trung ương là cần thiết.
Nguyễn Sự