Nghệ An: Hệ thống nước thải tiền tỷ nhiều năm bỏ không

(PLO) - Nhu cầu về vấn đề môi trường luôn là vấn đề cấp thiết nhưng tại khu công nghiệp Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, Nghệ An), hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng nhiều tỷ đồng vẫn “cửa đóng then cài” hơn 6 năm qua.
Khu xử lý nước thải cụm công nghiệp nhiều năm vẫn “cửa đóng then cài”

Đầu tư dự án để thả cá, nuôi gà...

Theo tìm hiểu, ngày 30/6/2009, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 3096 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp nhỏ Diễn Tháp. Dự án do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư, vị trí tại khu công nghiệp  Diễn Tháp với tổng mức đầu tư hơn 51 tỷ gồm nhiều hạng mục: San nền (15,28ha), đường giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, điện chiếu sáng, cây xanh. Nguồn vốn từ ngân sách huyện và đóng góp của doanh nghiệp. Tiến độ dự án được phê duyệt 2009 - 2011. 

Ngày 17/9/2009, UBND huyện Diễn Châu có Quyết định 1599 về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán Công trình: Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp nhỏ Diễn Tháp với hạng mục Thoát nước và xử lý nước thải. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu thoát nước thải khu công nghiệp nhỏ tại Diễn Tháp với tổng số vốn được phê duyệt cho hạng mục này hơn 6,1 tỷ, trong đó chi phí xây dựng hơn 4,5 tỷ, chi phí thiết bị hơn 600 triệu. 

Ngay sau đó, dự án được triển khai xây dựng, hoàn thành, vận hành thử thì đến nay khu vực nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được sử dụng đúng mục đích của dự án đưa ra. Khu vực nhà máy vẫn “cửa đóng then cài” dù đã hoàn thành tất cả các hạng mục, hiện chủ đầu tư phải thuê một người bảo vệ máy móc, thiết bị cũng như khuôn viên nhà máy. Theo quan sát bên trong, các bể chứa nước đã xây dựng xong, khu vực hồ chứa nước đang được bảo vệ tận dụng thả cá, một góc sân được tận dụng trồng rau, nuôi gà… 

Qua tìm hiểu được biết, dự án đã hoàn thành, tuy nhiên do vướng mắc trong nguồn vốn để đấu nối hệ thống các nhà máy, doanh nghiệp tại khu công nghiệp. Một nguyên nhân nữa là cũng chưa có phương án cho việc vận hành nhà máy này. Theo một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu thì Dự án được đầu tư xây dựng từ trước thời điểm Ban được thành lập. Các hạng mục cũng đã thi công xong từ khi đó, Ban tiếp nhận lại từ đó đến nay cũng chưa thể vận hành và đang thuê người bảo vệ nhà máy để tránh bị mất mát, thiệt hại. Được biết đây là dự án nhà máy nước thải cụm công nghiệp đầu tiên tại Nghệ An đã xây dựng. Sau khi xây dựng xong, vận hành thử để đo đầu ra đạt tiêu chuẩn rồi nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành:

“Phải có một bộ máy gồm giám đốc vận hành, kế toán, thủ quỹ, các kỹ thuật viên để vận hành, không thể giao cho xã quản lý được vì chức năng nhiệm vụ cũng như chuyên môn không đủ để đảm nhận. Nếu là huyện thì phòng nào sẽ đứng ra xử lý, nếu giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng quản lý thì các cán bộ ở phòng cũng đang đảm nhận nhiều công việc quản lý nhà nước được giao sẽ không đảm bảo được. Ban Quản lý đầu tư xây dựng là xây dựng, chuyển giao để vận hành sử dụng, nhưng bây giờ bàn giao cho ai, cho phòng nào quản lý?”, ông Hoàng Văn Ba – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu cho biết. 

Vướng mắc chưa được tháo gỡ

Một vấn đề nữa theo ông Ba là vấn đề kinh phí để vận hành hoạt động, tại khu công nghiệp có khoảng 30 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng năm nộp thuế nhà nước. Trong đề án Phòng Kinh tế hạ tầng lập lên, một năm vận hành nhà máy sẽ mất khoảng 600 triệu, nếu chia đều cho 30 doanh nghiệp liệu có họ có đồng ý không ? Nếu thu thêm thì phải có cơ chế để thu, phải có văn bản quy định của Nhà nước quy định nhưng cũng chưa tìm ra. Hàng năm đoàn kiểm tra Sở TN&MT đều kiến nghị huyện thành lập một ban để đứng ra quản lý, vận hành nhưng huyện không thể làm được vì liên quan đến vấn đề con người, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nguyên tắc huyện cũng không thể ký hợp đồng lao động để đưa vào vận hành nhà máy được…

Vấn đề này, ông Hà Xuân Quang – Phó Bí thư Thường trực huyện Diễn Châu cho hay, huyện đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng xây dựng kế hoạch, xây dựng kinh phí để đưa vào hoạt động. Sắp tới sẽ đấu nối cả hệ thống để đưa nước thải từ cụm công nghiệp Diễn Hồng vào để xử lý luôn.

“Huyện cũng đã tìm các văn bản liên quan đến việc thành lập ban điều hành vì liên quan đến con người, công tác tổ chức cán bộ, vấn đề thu chi để hoạt động nhưng cũng đang gặp vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn. Huyện cũng cử cán bộ đi học tập để tìm hiểu mô hình quản lý cũng như vận hành hoạt động nhưng chỉ có ở khu công nghiệp tỉnh quản lý mới có, còn cụm công nghiệp huyện quản lý thì chưa có quy định”, ông Quang nói và cho biết từ năm 2015, huyện đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng xây dựng ba phương án để vận hành khu xử lý nước thải nhưng cả ba đều vướng công tác cán bộ và vấn đề chi phí nên cũng không thể triển khai được.

Đọc thêm