Nghệ An ra công điện hỏa tốc chủ động ứng phó với mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện hoả tốc chỉ đạo chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Mưa lớn xảy ra ở huyện miền núi Kỳ Sơn dịp cuối tháng 9/2023
Mưa lớn xảy ra ở huyện miền núi Kỳ Sơn dịp cuối tháng 9/2023

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ ngày 13/10 đến ngày 15/10, ở Nghệ An có mưa vừa đến mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm, có nơi trên 150 mm và còn diễn biến phức tạp; nguy cơ cao xảy ra ngập sâu tại vùng trũng thấp, ngập úng tại đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã có Công điện hoả tốc số 30/CĐ-UBND về chủ động ứng phó với mưa lũ.

Trong đó, yêu cầu BCH Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai.

Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.

Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.

Đặc biệt, phải chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Đọc thêm