Nghệ An sẽ điều chuyển vốn cho dự án giải ngân tốt

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Tỉnh Nghệ An sẽ cương quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn.

Tỉnh Nghệ An sẽ điều chuyển vốn dự án giải ngân 0%.
Tỉnh Nghệ An sẽ điều chuyển vốn dự án giải ngân 0%.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tại hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 6/2024, rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời. Sau tháng 6, các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được tập trung quan tâm chỉ đạo.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh phấn đấu đến tháng 6/2024, không còn đơn vị, dự án chưa giải ngân vốn đầu tư công. Các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc, rà soát các huyện, các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Từ tháng 6/2024, các dự án chậm giải ngân hoặc giải ngân 0% sẽ cương quyết điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An đã giải ngân được gần 1.000 tỷ đồng, đạt 21,7%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (15,3%) và cao hơn bình quân chung cả nước (17,46%), đặc biệt là nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 60,8%; có 24/68 đơn vị giải ngân trên 30%; trong đó một số đơn vị giải ngân khá như: Đài PT&TH Nghệ An (100%), Sở GD&ĐT (69,73%), UBND huyện Yên Thành (59,32%), UBND huyện Đô Lương (52,35%)...

Cũng theo UBND tỉnh Nghệ An, bên cạnh những kết quả đạt được, một số nguồn vốn giải ngân còn chậm như: Ngân sách trung ương nguồn vốn trong nước mới đạt 13,01%, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 6,9% và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 11,02%. Trên địa bàn tỉnh vẫn có 26/68 đơn vị giải ngân dưới 10%, trong đó có 13 đơn vị chưa giải ngân (0%).

Để đáp ứng được các yêu cầu kể trên, các ngành, các huyện, các chủ đầu tư cần bám sát kế hoạch, cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra (bao gồm vốn của năm 2024 và vốn kéo dài của các năm trước). Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; hàng tháng có đánh giá thực hiện cam kết để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch giao.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu các chủ đầu tư cần nâng cao chất lượng đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án có chất lượng, hiệu quả.

Đọc thêm