Giải ngân đầu tư công nguồn vốn ODA gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến hết ngày 15/5/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao, còn tỷ lệ này của các địa phương là 5,7%, trong đó nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.
Các vướng mắc của tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vẫn kéo dài. (Ảnh: Tạp chí TCDN)
Các vướng mắc của tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vẫn kéo dài. (Ảnh: Tạp chí TCDN)

Nhiều vướng mắc

Thông tin tại Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) từ nguồn vốn nước ngoài (ODA) các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024, Bộ Tài chính đánh giá, kết quả giải ngân vốn ODA trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 15/5/2024) vẫn khá thấp.

Lũy kế giải ngân vốn ODA của các địa phương tính đến 15/5/2024 là 5,7% kế hoạch vốn được giao, tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại (cùng kỳ năm 2023 là 4,9%). Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách TW cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Với các Bộ, ngành, tính đến hết ngày 15/5/2024 tỷ lệ này cũng mới đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao, trong đó 2 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT), 8 Bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành đã cùng thảo luận và xác định nguyên nhân giải ngân chậm, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chính như: Chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), chậm trong khâu đấu thầu, thiết kế kỹ thuật; Dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay; Chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với các hồ sơ,… Ngoài ra, trong các tháng đầu năm, một số Bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2023 kéo dài.

Là đơn vị có lượng vốn ODA năm 2024 được giao lớn nhất (4.366 tỷ đồng), Bộ GTVT là một trong hai Bộ có tỷ lệ giải ngân trên 10%, song theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình giải ngân vẫn là GPMB. Điển hình như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vướng do đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1,5 năm, do đó chi phí GPMB thường bị tăng lên khá cao.

6 tháng đầu năm, Bộ GD&ĐT gần như không giải ngân được vốn ODA. Vướng mắc nhất của Bộ này liên quan đến việc thẩm định dự án, khó khăn trong việc tìm đơn vị thẩm định... Do đó, Bộ GD&ĐT dự kiến phấn đấu cả năm giải ngân được 350 tỷ đồng, còn 280 tỷ xin trả lại cho ngân sách.

Với TP Hà Nội, năm 2024, 6 dự án ODA của TP được giao kế hoạch vốn gần 3,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến ngày 20/5, Hà Nội mới giải ngân đạt 856 tỷ đồng (đạt 21,98% kế hoạch). Theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, hiện có một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án ODA. Cụ thể, tại tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, các vướng mắc từ năm trước vẫn kéo dài dẫn đến việc chậm trễ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và bổ sung chi phí của các gói thầu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tại dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư bị kéo dài khiến đến nay dự án chưa thể triển khai...

Hay như tỉnh Bến Tre hiện có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre và dự án phát triển chuỗi công nghệ thông minh thích hợp với biến đổi khí hậu. Theo địa phương này, đến ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân của 2 dự án này mới đạt 26,6 tỷ đồng, nguyên nhân là do năm 2024 Bến Tre được bố trí vốn nhưng năm 2023 tổ chức đấu thầu không đạt.

Phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn

Bộ Tài chính dự kiến đến hết tháng 6/2024 tỷ lệ giải ngân của các Bộ, ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Hội nghị cũng thống nhất sẽ theo dõi sát sao và quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như Nghị quyết 01/NQ-CP đã đặt mục tiêu.

Hội nghị đã thống nhất một số giải pháp như: Giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư; Rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn; Khẩn trương xử lý vướng mắc GPMB và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền. Đối với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền xử lý của các Bộ, ngành, Bộ Tài chính đề nghị cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm hết sức quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. “Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho phát triển, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững…” - đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đọc thêm