Nghệ nhân là “báu vật sống” nắm giữ tinh hoa của di sản văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có thể nói, những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm là linh hồn, là “báu vật sống” nắm giữ tinh hoa của nghề nghiệp truyền thống. Đó là chỗ dựa vững chắc cho mỗi loại hình tồn tại và phát triển.
Nghệ thuật hát bội - nét văn hóa đặc sắc của miền đất võ Bình Định.
Nghệ thuật hát bội - nét văn hóa đặc sắc của miền đất võ Bình Định.

Những năm qua, tỉnh Bình Định đã dành sự quan tâm sâu sắc đến các nghệ nhân dân gian - chủ thể nắm giữ di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, người giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị DSVH trong cộng đồng. Công tác tôn vinh, đãi ngộ đã được triển khai tích cực, kịp thời đối với các nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể.

Qua 3 lần phong tặng, tỉnh Bình Định đã có 42 nghệ nhân, trong đó có 7 nghệ nhân nhân dân (NNND) và 35 nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực DSVH phi vật thể. Đó là những nghệ nhân thực hành và truyền dạy các loại hình DSVH phi vật thể như: võ cổ truyền Bình Định, nghệ thuật hát bội Bình Định, nghệ thuật bài chòi Bình Định, nhạc cụ dân tộc, tổ chức lễ hội truyền thống, văn hóa cồng chiêng dân tộc…

Kết quả đạt được đã tôn vinh những đóng góp to lớn của các nghệ nhân; đồng thời, động viên khích lệ các nghệ nhân tích cực tham gia thực hành, truyền dạy DSVH, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn Bình Định.

Nghệ nhân Hà Thị Hạnh (thứ 2 từ phải qua) vinh dự được tặng danh hiệu NNND.
Nghệ nhân Hà Thị Hạnh (thứ 2 từ phải qua) vinh dự được tặng danh hiệu NNND.

Theo NNND Hà Thị Hạnh (SN 1966, ngụ thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nghệ nhân thực hành và truyền dạy nghệ thuật hát bội), trong cuộc sống hôm nay, các loại hình giải trí hiện đại tràn ngập thị trường nhưng không vì thế mà nghệ thuật truyền thống mất hẳn chỗ đứng. Ngược lại, nó vẫn vươn lên thể hiện bản ngã độc đáo của mình.

Mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống đều in đậm bàn tay tài hoa, sáng tạo, vốn tinh hoa văn hóa truyền thống của bao lớp nghệ nhân. Mỗi nghệ nhân đã thể hiện tất cả kinh nghiệm cả đời, tài hoa, tình cảm, suy nghĩ, sáng tạo của mình lên mỗi vai diễn, tác phẩm, công trình và thổi hồn cho nó. Có thể nói, những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm là linh hồn, là “báu vật sống” nắm giữ tinh hoa của nghề nghiệp truyền thống. Đó là chỗ dựa vững chắc cho mỗi loại hình tồn tại và phát triển.

“Trong thời gian tới, những nghệ nhân như chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp chính quyền. Tôi xin đề xuất tỉnh sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các chính sách về trọng dụng nhân tài, ưu đãi, hỗ trợ nghệ nhân, văn nghệ sĩ phát huy tài năng sáng tạo; có cơ chế hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật truyền thống mang tính thiết thực, phù hợp, hiệu quả hơn nữa”, NNND Hà Thị Hạnh cho biết.

Ông Lâm Hải Giang (phải) và NNND Hồ Văn Sừng (giữa) - nghệ nhân thực hành và truyền dạy võ cổ truyền.
Ông Lâm Hải Giang (phải) và NNND Hồ Văn Sừng (giữa) - nghệ nhân thực hành và truyền dạy võ cổ truyền.

Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc các chủ thể DSVH được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNND, NNƯT đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu DSVH phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn DSVH.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các nghệ nhân trong việc tổ chức các hoạt động trình diễn, truyền dạy DSVH cho thế hệ trẻ và phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH mà các nghệ nhân đang nắm giữ, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc;

“Tôi đề nghị ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc. Đồng thời, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trân trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật; tôn vinh các nghệ nhân, văn nghệ sĩ trên cơ sở cống hiến của họ đối với đất nước và tỉnh nhà”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Đọc thêm