Nghệ nhân Tạ Thu Hương: Sáng tạo phát triển những chiếc nón lá truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, không ai là không biết đến chị Tạ Thu Hương – một nghệ nhân làm nón truyền thống nổi tiếng. Chị biết làm nón từ năm bảy tuổi và bén duyên với nghề nhờ tình yêu dành cho những chiến nón truyền thống. Đến nay, những chiếc nón của chị không chỉ được bày bán rộng rãi tại Việt Nam, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Tết năm nay, các nghệ nhân làm nón làng Chuông đã cho ra rất nhiều mẫu mới.
Tết năm nay, các nghệ nhân làm nón làng Chuông đã cho ra rất nhiều mẫu mới.

Những chiếc nón chứa đựng cả tình yêu “non sông” Việt Nam

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (sinh năm 1968) là người ở làng Chuông – một làng nghề lâu đời về nón lá, chị là người đã đưa những sản phẩm truyền thống của quê hương mình vươn tầm thế giới. Bắt đầu từ cơ duyên vào năm 1988, với đơn hàng 10.000 chiếc nón được một du khách đặt để đem sang nước ngoài. Từ đó đến nay, chị đã có hơn ba mươi năm làm nghề. Sản phẩm của chị được phát triển liên tục để ngày càng trở nên hoàn thiện, phù hợp thị hiếu khách hàng.

Hiện tại, những chiếc nón của nghệ nhân Tạ Thu Hương đã không còn vẻ thô sơ, đơn giản như ban đầu nữa, mà được đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút tỉ mỉ từ hình thức cho đến chất liệu.

Đối với nghệ nhân Tạ Thu Hương, mỗi một chiếc nón đều được chị cùng đội ngũ sản xuất đầu tư nhiều công sức, chất xám. Chị và các nghệ nhân trong làng đã nghiên cứu nhiều cách để vừa hiện đại hóa chiếc nón, vừa kế thừa truyền thống, họ đã kết hợp nhiều chất liệu, nguyên liệu khác nhau để nâng tầm sản phẩm từ kiểu dáng, chất lượng, mẫu mã đến sự tiện dụng. Chính vì thế, chiếc nón của chị không chỉ để sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những bức tranh, họa tiết được vẽ lên một cách tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết.

Tết Quý Mão 2023, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã đưa vào thị trường những mẫu mã mới để khách hàng có nhiều lựa chọn đa dạng, phong phú hơn. Ví như nón lá trên lụa, nón lá sen, nón bộ... Nghệ nhân Tạ Thu Hương cũng chia sẻ nón lá lụa là một trong những sản phẩm tâm đắc nhất của chị.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (đứng thứ hai từ trái sang) mong muốn “truyền lửa” đam mê của mình cho mọi người. (Nguồn: NVCC)

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (đứng thứ hai từ trái sang) mong muốn “truyền lửa” đam mê của mình cho mọi người. (Nguồn: NVCC)

Chiếc nón là sự kết hợp giữa nón lá truyền thống và vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của lụa. Từ khung nón lá thông thường, các nghệ nhân đã thay thế lớp lá ngoài cùng bằng lụa với nhiều màu sắc, họa tiết khác nhau. Có những chiếc nón màu tím xứ Huế với những hoa văn chìm, có chiếc màu trắng ngà nổi bật với họa tiết hoa sen trắng, lá xanh, cũng có những chiếc mang màu xanh ngọc với hoa văn hoa vàng được sắp xếp khéo léo, tỉ mỉ.

Không chỉ vậy, nghệ nhân Tạ Thu Hương còn có những chiếc nón được trang trí bằng các bức tranh non sông Việt Nam vô cùng độc đáo. Mỗi địa điểm du lịch nổi tiếng, chị sẽ thuê các họa sĩ tạo một bức tranh khác nhau ngay trên nón. Đến với Hạ Long, đó là phong cảnh vùng biển với đồi núi điệp trùng. Đến với Huế là những cố cung mơ màng ẩn hiện bên cạnh dòng sông Hương. Hay đó là bức tranh đồng quê ở vùng Bắc Bộ với đàn trâu thong thả gặm cỏ, phía bên trên là những đứa trẻ mục đồng vô tư nghịch ngợm, thổi sáo.

Mỗi chiếc nón, nghệ nhân Tạ Thu Hương muốn gửi gắm vào đó tinh túy của văn hóa Việt Nam. Đó không chỉ là thiên nhiên trù phú, “sông vàng, biển bạc” trải rộng từ Bắc vào Nam, mà còn là bản sắc của quê hương mình. Từ hình ảnh bông hoa sen giữa bùn “mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, đến những họa tiết ngôi sao năm cánh, hay hai chữ Việt Nam được viết thật to đầy tự hào trên mỗi chiếc nón vẽ.

Thông qua những chiếc nón được đầu tư chỉn chu, cẩn thận từ họa tiết, đến hình ảnh, nghệ nhân Tạ Thu Hương và đội ngũ của mình đều mong có thể đem thiên nhiên, phong cảnh văn hóa vào sản phẩm. Để Việt Nam được hiện lên chân thực và sống động trong mắt bè bạn quốc tế, du khách nước ngoài, cho họ thấy đất nước của chúng ta cũng không kém phần xinh đẹp và rạng rỡ.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Một trong những thành công khác của nghệ nhân Tạ Thu Hương là làm sống dậy tình yêu của rất nhiều người trẻ đối với sản phẩm truyền thống của dân tộc. Chị cho biết, tại cơ sở sản xuất nón của mình tại xã Phương Trung có rất nhiều người được chị giúp đỡ tạo công ăn việc làm. Đó có thể là những người trẻ từng sa cơ, lầm lỡ, cũng có những em học sinh, sinh viên vì yêu mến văn hóa truyền thống mà tự tìm đến chị để xin học về nghề làm nón.

Chị thường khuyến khích con cháu và những người trẻ trong làng Chuông có thể bán các sản phẩm do cơ sở của mình làm ra. Đã có rất nhiều học sinh, sinh viên trong làng đều có thể tham gia, vừa có thêm thu nhập, vừa hiểu biết về sản phẩm truyền thống của ông cha.

Không chỉ tại làng Chuông, chị Hương còn thường xuyên hỗ trợ các trường đại học, đem sản phẩm mình đến các gian hàng hội chợ. Như đầu năm 2023, chị đã nhận lời mời từ Trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) mang sản phẩm đến một số gian hàng, từ đó giúp đỡ những sinh viên nghèo có tiền mua vé về quê ăn Tết.

Qua mỗi gian hàng của nghệ nhân Tạ Thu Hương, có thể thấy chị rất chú trọng tính thẩm mỹ. Mỗi gian hàng, chị đều xem xét kỹ lưỡng mặt tiền, không gian. Để từ đó có thể phác thảo ra bản vẽ, chọn lựa sắp xếp chiếc nón sao cho phù hợp nhất với thị hiếu khách hàng. Ngoài ra, biết được nhu cầu chụp hình của người trẻ, chị sẽ cố gắng bày biện đèn, màu sắc để lên hình được đẹp, rõ nét nhất. Theo chị Hương, đó là một cách người trẻ xóa bỏ khoảng cách đối với những sản phẩm truyền thống của dân tộc.

Ngày nay người trẻ có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh từ chính những sản phẩm truyền thống của dân tộc. (Nguồn: NVCC)

Ngày nay người trẻ có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh từ chính những sản phẩm truyền thống của dân tộc. (Nguồn: NVCC)

Cùng với tình yêu, nhiệt huyết với những chiếc nón truyền thống của dân tộc, chị Hương được nhiều người coi là “Đại sứ nón”, vì cứ ở đâu xã hội cần, chị sẵn sàng chuẩn bị những gian hàng nón. Nghệ nhân Tạ Thu Hương mong muốn rằng mình sẽ “truyền lửa đam mê” này đến cho đông đảo mọi người trong xã hội. Năm nay, nhờ sự yêu mến đồng bào Việt Nam và bạn bè quốc tế, chiếc nón của chị đã có mặt tại Lào, Nghệ An, TP HCM, hội chợ Cao Bằng, Festivan hoa Mê Linh…

Đi nhiều đã cho chị thêm ý tưởng mới để phát triển mẫu mã những chiếc nón của mình. Ngoài ra, cũng thấy được sự sáng tạo, tư duy nhanh nhạy của giới trẻ ngày nay đối với món đồ thủ công truyền thống.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết, các bạn trẻ bây giờ giỏi hơn chúng tôi ngày trước rất nhiều, những chiếc nón đơn giản được xưởng sản xuất của chúng tôi làm ra, các bạn mua về và kinh doanh rất tốt.

Tôi sống là người phải có tâm với nghề, tôi yêu thương những người làm ra những chiếc nón. Đồng công của họ thấp, nhưng tôi cố gắng đi quảng bá, truyền thông, bán online, xuất khẩu để giúp cho các nghệ nhân, người làm ra những chiếc nón có thu nhập ổn định để bám trụ với nghề”, nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ.

“Tôi đến nhiều gian hàng, thấy sản phẩm của mình được nhiều người trẻ trang trí, decor lại rất đẹp, vô cùng nghệ thuật, bắt mắt. Thậm chí, mỗi gian hàng được họ setup (trang trí) nhìn rất thu hút, giá thành sản phẩm vì vậy được nâng lên một mức khác”, chị Hương chia sẻ.

Đối với chị đây là điều đáng mừng vì người trẻ không chỉ quan tâm đến các sản phẩm truyền thống, mà còn luôn đổi mới sáng tạo đầy bất ngờ, thú vị. Đây là điều mà chính chị cần luôn học hỏi, nỗ lực để phát triển sản phẩm của làng nghề hơn nữa.

Nghệ nhân cũng cho biết, với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay có rất nhiều cách để phát triển những sản phẩm thủ công truyền thống. “Các bạn trẻ ngày nay rất nhanh nhạy với các ứng dụng thương mại điện tử. Vì vậy, có rất nhiều cách để bạn quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình”. Đây là điều mà chị Hương cần phải có sự hỗ trợ của những nhân lực trẻ.

Đọc thêm