Nghe phổ biến pháp luật, vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo

(PLO) - Đây là một trong số những cách làm hay nhằm phát huy hiệu quả các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ hòa giải… trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho bà con vùng biên giới, hải đảo. Nếu cách làm này và nhiều mô hình tương tự khác được nhân rộng sẽ góp phần hiệu quả xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Bộ đội phát tờ rơi phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân
Bộ đội phát tờ rơi phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân

1.560 tổ tuyên truyền pháp luật được thành lập 

Nước ta có 1.110 xã, phường, thị trấn biên giới, hải đảo thuộc 234 quận, huyện, thị xã tại 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với dân số khoảng 8,3 triệu người. Những năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. 

Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan về lịch sử, địa lý…, đời sống của nhân dân khu vực biên giới, hải đảo so với cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, hiểu biết về pháp luật chưa cao... Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch đã không ngừng tuyên truyền kích động, chống phá. 

Vì vậy, Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 – 2016” (gọi tắt là Đề án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1133/QĐ-TTg cùng 6 đề án khác. Triển khai Đề án, các đồn biên phòng đã phối hợp với các xã, phường và các đơn vị quân đội đứng chân ở khu vực biên giới, hải đảo thành lập 1.560 tổ tuyên truyền pháp luật, định kỳ hàng tháng xuống các thôn, bản trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cán bộ, nhân dân theo từng nhóm đối tượng 

Qua 3 năm thực hiện Đề án, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã xuất hiện ở các địa phương, đơn vị. Lực lượng Cảnh sát Biển và Hải quân đã thành lập tổ tuyên truyền pháp luật, cấp phát tài liệu cho ngư dân đi biển, được 276 buổi cho trên 100 nghìn người nghe, cấp hơn 100 nghìn cuốn Luật Biển Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan đến tổ chức, hoạt động của Cảnh sát Biển, hàng chục loại tờ rơi có hình minh họa về “Những việc không được làm”, “Những điều ngư dân cần biết”, 3 nghìn đĩa DVD về biển đảo Việt Nam… để PBGDPL cho nhân dân.

Trong tổ chức Ngày Pháp luật và thi tìm hiểu pháp luật ở khu vực biên giới, hải đảo có cách làm “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” rất sáng tạo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng; câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh; nhiều đồn biên phòng phối hợp với các nhà trường tổ chức tốt giờ học pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật trong học sinh…, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tỉnh Kiên Giang thì mở cuộc thi tìm hiểu Luật Biển Việt Nam, tỉnh Thái Bình tổ chức tốt giờ học pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Lồng ghép PBGDPL với giao lưu văn nghệ

Công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được gắn với các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhiều mô hình tốt như “Ánh sáng an ninh”, “Làng văn hóa”, “Bản an toàn” của Bộ đội Biên phòng Sơn La, mô hình “Bốn giảm” của Bộ đội Biên phòng An Giang (giảm xuất cảnh trái phép, giảm người nghiện ma túy, giảm hoạt động tôn giáo, giảm tai nạn 

giao thông)… đã có sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới, khiến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, dòng họ ở các thôn, bản biên giới, hải đảo cơ bản được hòa giải ngay tại cơ sở, hạn chế việc tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự.

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi các đoàn văn công chuyên nghiệp chưa tới, hàng quý, đội tuyên truyền văn hóa Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật, kết hợp tổ chức chiếu phim phục vụ cán bộ, nhân dân được trên 6 nghìn buổi.

Cùng với đó, các đồn biên phòng tỉnh Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Gia Lai… phối hợp với tổ chức đoàn, nhà trường thường xuyên giao lưu văn nghệ, gắn với tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân các thôn, bản. Việc lồng ghép này khiến những kiến thức pháp luật vốn khô khan trở nên sống động hơn, dễ được người dân đón nhận và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Đặc biệt, từ việc phát huy hiệu quả các trung tâm tư vấn pháp luật, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và tổ hòa giải trong PBGDPL cho các đối tượng, 100% xã, phường, thị trấn biên giới, hải đảo đã thành lập câu lạc bộ tư vấn pháp luật. Mỗi tuần ít nhất 1 buổi – vào ngày chợ phiên, các câu lạc bộ sẽ làm việc, phục vụ nhu cầu tư vấn, hỏi đáp pháp luật của nhân dân. Qua hoạt động có một số cách làm hay, nhất là chương trình “Phổ biến chính sách và tư vấn pháp luật”, tổ chức đội tàu thuyền bám biển vừa làm kinh tế (đánh bắt hải sản), vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi…

Từ thực tiễn sôi nổi trên, các kết quả trong công tác PBGDPL tại khu vực đã góp phần làm cho tình hình an ninh trật tự ở các xã, phường khu vực này ngày càng ổn định hơn. Nhiều hủ tục lạc hậu được hạn chế và loại bỏ, tệ nạn xã hội giảm, tình trạng di cư, dịch cư tự do giảm đáng kể. Ý thức quốc gia, quốc giới và ý thức chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, tinh thần tố giác tội phạm được nâng lên.

Quần chúng nhân dân xác định trách nhiệm tham gia với Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những tín hiệu tích cực này cho thấy sự cần thiết nhân rộng các cách làm hay, mô hình sáng tạo để tiếp tục chung sức xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Đọc thêm