Nghệ sĩ Ái Như “đón con về nhà”

 7 năm sau thành công của vở diễn “Hãy khóc đi em”, hai nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như quyết định dựng lại vở diễn với những thay đổi mới mẻ. Ái Như chia sẻ, điều này khiến chị vui như đón một đứa con về ngôi nhà mới xây...

7 năm sau thành công của vở diễn “Hãy khóc đi em”, hai nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như quyết định dựng lại vở diễn với những thay đổi mới mẻ. Ái Như chia sẻ, điều này khiến chị vui như đón một đứa con về ngôi nhà mới xây...

Cặp nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội.
Cặp nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội.

Năm 2004, “Hãy khóc đi em”, được dựng từ truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng” của nhà văn Trần Thùy Mai, đã làm rung động sân khấu kịch vốn đang khá im lìm. Những buổi công diễn của “Hãy khóc đi em” đã khiến bao trái tim thổn thức, kéo được đông đảo khán giả đến với Idecaf trong thời buổi mà kịch giải trí đang lên ngôi. Lần dựng lại này, vở diễn vẫn thu hút được sự chú ý và mong mỏi của khán giả TP.HCM. “Hãy khóc đi em” đã bắt đầu được lên sàn tập từ tháng 6 để chuẩn bị cho buổi ra mắt vào cuối tháng 7 sắp tới. Nghệ sĩ Ái Như đã có một buổi trò chuyện với PLVN quanh vở diễn.

Chị có thể chia sẻ nguyên do của việc dựng lại “Hãy khóc đi em” trên sân khấu Hoàng Thái Thanh?

- Có hai lý do khiến tôi và anh Thành Hội quyết định dựng lại vở diễn. Sự mong mỏi của khán giả, những người từng và chưa từng xem “Hãy khóc đi em” được bày tỏ qua những cánh thư đã khiến chúng tôi có thêm nhiều động lực. Một lý do khác khá quan trọng, đó là chúng tôi muốn đem những tác phẩm kịch mình đã làm từ trước đến nay tái dựng ở Hoàng Thái Thanh. Vui, giống như xây ngôi nhà mới và đón con của mình về vậy.

Vở diễn được đánh giá là rất thành công cả về dàn dựng và diễn xuất vào năm 2004, khi dựng lại chị có áp lực gì không? Có phải dự tính được khả năng “ăn khách” cũng là một lý do khiến chị quyết định dựng lại vở này?

- Nói là “dựng lại”, nhưng thực ra, đối với tôi, vở diễn giờ đây đang bắt đầu lại một hành trình hoàn toàn mới ở Hoàng Thái Thanh. Đầu tiên là dàn diễn viên mới đến 50%: Ngoài Thanh Thủy (vai Hạnh), Thành Hội (vai Hướng), còn lại các vai khác như Phương, Thắm, Thu, Bảnh... đều do ê-kíp mới như Quang Thảo, Hồng Ánh, Ái Như, Nguyễn Long... đảm nhiệm. Các yếu tố như âm nhạc, thiết kế sân khấu... đều được làm mới và nhất là việc xây dựng một đường dây hành động mới cho các nhân vật, thì không thể gọi đây là một vở diễn cũ tập lại được.

Nghệ sĩ Ái Như
Nghệ sĩ Ái Như

Còn về dự kiến trước phản ứng khán giả, nói thật, hơn 20 năm làm đạo diễn, chưa bao giờ tôi dự đoán trước được điều gì sẽ xảy ra sau vở diễn. Điều thôi thúc lớn nhất khi tôi dựng một vở, đó là bằng dự cảm của mình, mình thấy mê say, yêu thích, muốn lăn xả vào, và mong mỏi khán giả sẽ đồng cảm với mình. Chứ vở kịch khi ra rạp thế nào, với tôi vẫn luôn là một ẩn số. Tôi vẫn rất hồi hộp chờ từng khán giả đến rạp, vẫn nghe nhói ở tim, với cảm xúc như một viên đá lăn xuống hồ rồi lan tỏa từng đợt sóng mỗi khi vở diễn xong, và xem khán giả vui buồn với “đứa con” của mình. Bao nhiều năm rồi, mỗi lần làm một vở với, cảm xúc vẫn nguyên vẹn buổi đầu như thế. Và tôi nghĩ rằng, nghệ sĩ luôn cần những cảm xúc ấy cho sáng tạo.

Thay thế Thành Lộc bằng Quang Thảo với vai Phương - vai diễn chính và nặng kí, có phải chị đang đặt một áp lực lớn lên Quang Thảo, vì sẽ khó tránh khỏi sự so sánh?

- Theo tôi thì đừng nên so sánh. Sự thay đổi không hề làm khác đi giá trị của tác phẩm. Tất nhiên, khi đặt một diễn viên vào vai, đạo diễn sẽ có sự cân nhắc, có lý do riêng. Chúng tôi mong muốn khán giả không chỉ đến sân khấu để xem ai vào vai Phương,  mà quan trọng là họ cảm nhân người diễn viên đã thể hiện vai diễn ấy như thế nào.

Nhiều ý kiến cho rằng vở kịch “Hãy khóc đi em” đã nâng tác phẩm văn học “Trăng nơi đáy giếng” lên một tầm mới, thậm chí... hay hơn tác phẩm văn học. Chị nghĩ thế nào?

- Nói như vậy, theo tôi là không chình xác. Vì ít ra, khi tôi và anh Thành Hội gọi điện cho chị Trần Thùy Mai bày tỏ ý định dựng vở thì được biết, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng đang có ý định ấy. Đồng thời, kế hoạch làm phim đang được các nhà làm phim xây dựng. Như thế, không thể nói “Trăng nơi đáy giếng” không gây chú ý. “Trăng nơi đáy giếng” chính là khởi nguồn của sự sáng tạo. Có chăng là do tiếng ngân của từng tác phẩm khác nhau thì tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Trong văn học, là những tiếng ngân của hạt mưa rả rích trên lá, còn trong kịch, đó là những cung bậc trầm bổng. Có thể là, ở kịch, trí tưởng tượng của khán giả được hiện thực hóa, thỏa mãn hơn...

Sau một năm thành lập, Hoàng Thái Thanh đã dựng được nhiều vở diễn gây tiếng vang, hút khán giả đến sân khấu. Chị có cho rằng mình đang thành công?

- Với tôi, thế nào là thành công? Thật khó mà nói được. Một ví dụ nho nhỏ, khi “Mùa đông cuối cùng” được công diễn, báo chí và rất nhiều khán giả ưu ái gọi đó là một “thành công”. Nhưng nếu xét tiêu chí về doanh thu, thì không thể coi là thành công khi doanh thu của vở không thể gọi là cao, và còn cảm giác phấp phổng chờ đợi từng khán giả đến sân khấu của chúng tôi nữa... Hoàng Thái Thanh, đến giờ phút này cũng vậy, tôi không dám nói thành công, vẫn đang ở trong giai đoạn chờ đợi khán giả đến với mình... Nhiều người góp ý, tôi chưa biết cách quảng bá cho lắm. Sự thực đúng là như vậy. Tôi chỉ biết khi làm gì thì làm hết sức, hết mình, bằng cả niềm say mê, và tin rằng, nội lực của chính tác phẩm, của toàn bộ anh chị em nghệ sĩ của sân khấu, và cả “thương hiệu” Ái Như - Thành Hội sẽ đem khán giả đến với khân khấu của mình.

Xin cảm ơn nghệ sĩ Ái Như!

Ngọc Mai  

Đọc thêm