Nghệ sĩ chưa hình thành phản xạ về bản quyền, vì sao?

(PLO) -Sự phát triển của công nghệ số đã khiến các ca sĩ trẻ Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với khán giả cũng như đạt được lượng xem “trong mơ” khi phát hành album, MV. Tuy nhiên, cũng chính quá trình tương tác rộng ấy đã đem đến nhiều vấn đề mới cho nghệ sĩ, trong đó có thách thức về mặt bản quyền.
MV trên 40 triệu view của Bảo Anh suýt bị xóa trên You Tube vì sử dụng nhạc nước ngoài, vi phạm tác quyền
MV trên 40 triệu view của Bảo Anh suýt bị xóa trên You Tube vì sử dụng nhạc nước ngoài, vi phạm tác quyền

Sơ sẩy bản quyền, mất tiền trăm triệu

Thời gian gần đây, bản quyển đã trở thành một vấn đề mang tính “được mất” đối với nghệ sĩ mà hai ví dụ rất rõ ràng là sự việc hai ca sĩ Noo Phước Thịnh và Bảo Anh lần lượt bị rắc rối với những MV triệu view, có khả năng hái ra tiền. Thời điểm bị You Tube gỡ bỏ, MV của Noo Phước Thịnh đã cán mốc 30 triệu view, con số nhiều ca sĩ mơ ước, và gần như đứng đầu về lượng view đạt được sau một thời gian ngắn so với các clip ca nhạc của Việt Nam, cao hơn nhiều clip âm nhạc “hot” trong khu vực.

Mất đi clip chục triệu view, đều là do ê kíp của Noo Phước Thịnh chủ quan về vấn đề bản quyền, vì trong MV có 2 đoạn nhạc nền lấy từ bài hát nước ngoài mà không xin phép. Kết quả của sự chủ quan này là tai tiếng dành cho ê kíp và sự mất công sức khi tất cả mọi thứ trở về con số không, phải chỉnh sửa và đăng tải lại MV từ đầu, chỉ khổ công fan hâm mộ của nam ca sĩ phải kêu gọi nhau thức đêm “cày view” để lấy ại những gì đã mất cho thần tượng. 

Tương tự, nữ ca sĩ Bảo Anh mới đây cũng gặp sự cố về bản quyền liên quan đến MV ca nhạc được phát hành trên You Tube. MV cổ trang “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh cán mốc “khủng” 40 triệu lượt xem trên You Tube, nhưng lại vẫn do sơ suất bản quyền, sử dụng hai ca khúc của nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent trong MV mà không xin phép, dẫn đến nguy cơ bị kiện từ ê kip của nhà soạn nhạc, bị phạt với số tiền gần 270 triệu đồng Việt Nam và có khả năng bị khóa MV trên kênh You Tube. Trước tình huống này, Bảo Anh và ê kíp đã nhanh chóng tìm cách sửa sai như thêm lời cảm ơn dành cho nhà soạn nhạc bên dưới MV và liên hệ với ê kíp của ông Ivan Torrent nhằm xử lý sai phạm.

Cuối cùng, sau bao nỗ lực thương thảo, Bảo Anh đã được tác giả đồng ý cho phép sử dụng hai ca khúc trên cho MV với giá 100 triệu đồng tiền Việt. Một sơ suất nhỏ, hậu quả không nhỏ tí nào, nhưng rất may là MV chưa bị gỡ bỏ, âu đó cũng là bài học cho ê kíp của Bảo Anh và nhiều nghệ sĩ khác.

Thận trọng bản quyền là văn minh và tự bảo vệ mình

Showbiz còn không ít vụ vi phạm bản quyền một cách “hồn nhiên” với kết quả nặng thì gỡ bỏ làm lại, trở mặt không nhìn nhau, nhẹ thì xin lỗi, nhận lỗi như trường hợp MV “Anh thì không” của Mỹ Tâm “quên” xin phép người dịch phần lời bài hát là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, hay cuộc tranh cãi, thách thức của ca sĩ Tuấn Hưng và nhạc sĩ Duy Mạnh… Có thể thấy một điều, hầu hết các nghệ sĩ khi vi phạm bản quyền đều không biết là mình đang vi phạm, hoặc có biết nhưng chỉ nghĩ đơn giản là ca khúc nước ngòai không ai biết, hoặc “chỉ lấy một đoạn nhỏ, không sao”.

Nghệ sĩ và ê kíp của mình hoàn toàn không hình dung được những rắc rối có thể xảy đến vì những hành động “mượn” nhạc mà họ coi là nhỏ nhặt. Điều này cho thấy, nhiều người tham gia vào môi trường âm nhạc nhưng chưa thực sự có sự nhạy bén lẫn phản xạ cần thiết về bản quyền. Thời đại của công nghệ số, của thế giới phẳng, nhưng có những tư duy đơn giản vẫn luôn cho rằng, khi cần nhạc nền, cần minh họa cho một bài hát, chỉ cần lên mạng tải về một đoạn nhỏ ghép vào, không ai để ý đến (!).

Không chỉ về bản phối, đoạn nhạc nền hay phần lời bài hát, khi một MV, clip ca nhạc tung lên mạng, có rất nhiều yếu tố có thể vi phạm bản quyền dễ dàng chủ quan bỏ qua hoặc không hình dung hết. Như thương hiệu các loại vật dụng xuất hiện trong MV, hay diễn biến clip vô tình “đụng chạm” đến bản quyền một thương hiệu nào đó.

Đơn cử, trong MV đã bị khóa của Noo Phước Thịnh, ngoài hai bản nhạc nền vi phạm, còn có một chi tiết xuất hiện rất rõ nhãn hiệu xe siêu sang, tuy nhiên, vụ tai nạn liên quan đến chiếc xe này làm rất sơ sài, khác với những tính năng của xe trong thực tế, chính điều này cũng là một điểm “nhạy cảm” khiến MV của Noo Phước Thịnh càng bị đặt vấn đề về bản quyền hơn. Trong khi đó, chính sách của You Tube hiện ngày càng chặt chẽ, các công ty chuyên về bản quyền của họ rà soát rất kĩ, khó lòng vi phạm nào qua mặt được.

Mới đây nhất, nam diễn viên, ca sĩ Ngô Kiến Huy đã được đánh giá cao khi gửi MV sắp ra mắt của mình đến các chuyên gia trong ngành để rà soát, thẩm định xem có chi tiết nào vi phạm bản quyền không. Đây là một hành động thận trọng cần có của các nghệ sĩ đối với “đứa con âm nhạc” của mình. Bởi, thận trọng là không hề thừa, nó thể hiện tinh thần cầu thị, văn minh của nghệ sĩ về vấn đề bản quyền. Đó cũng là hành động hợp lý, tự bảo vệ mình, tránh hậu quả không hay sau này, cũng như để “đứa con tinh thần” của mình đến với khán giả mà không phải trải qua những rủi ro, vấp váp, tì vết không đáng có.