Thế hệ “dễ tỏa sáng”
Không thể phủ nhận, những nghệ sĩ trẻ ngày nay có nhiều điều kiện và cơ hội để trau dồi nghề nghiệp, tiếp cận công chúng và cũng dễ dàng nổi tiếng hơn xưa. Người trẻ ngày nay không chỉ được đào tạo bài bản hơn mà cơ hội tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước cũng bắt đầu từ rất sớm.
Cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã tạo cho người trẻ những cơ hội tuyệt vời để xuất hiện trước công chúng. Nếu như trước kia, không ít nghệ sĩ có tài phải loay hoay, vật vã suốt bao năm trời vì thiếu cơ hội xuất hiện trước công chúng và tỏa sáng thì nay, mỗi người trẻ đều có thể tự làm “bầu show” cho chính mình bằng các công cụ mạng. Nếu chưa có cơ hội đầu quân cho các công ty giải trí, những người có chút tài năng ôm mộng bước chân vào làng giải trí có thể “ra mắt” khán giả dựa trên các nền tảng mạng xã hội.
Có không ít trường hợp, nhờ cover lại các ca khúc “hot” mà được cộng đồng mạng chú ý, rồi trở nên nổi tiếng. Cũng có nhiều nghệ sĩ tự do, không có công ty quản lý, tự lập cho mình những kênh riêng, tự ca hát, giao lưu với khán giả, để rồi lọt vào “mắt xanh” các ông bầu, các nhà sản xuất, đi hát show, ra MV, bước chân vào giới nghệ sĩ.
Vừa được đào tạo bài bản, vừa có nhiều công cụ hỗ trợ, nghệ sĩ trẻ ngày nay có khả năng cập nhật xu hướng âm nhạc rất nhanh, nắm bắt tốt thị hiếu khán giả. Có thể kể đến những tên tuổi ca sĩ trẻ hiện nay tuy mới xuất hiện nhưng đã tạo thành “trend” và chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc như: Pháo, Hứa Kim Tuyền, Amee, Hoàng Duyên, Grey D (Đoàn Thế Lân), Tăng Duy Tân, Wren Evans, Orange, Hoàng Dũng, Mỹ Anh, TLinh, Mono, nhóm DTAP…
Thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay cũng rất đa tài khi có thể vừa hát, vừa có vũ đạo tốt, còn có khả năng sáng tác, thậm chí kiêm luôn nhà sản xuất âm nhạc cho chính sản phẩm của mình. Có thể kể đến Phùng Khánh Linh, Cát Tiên, nhóm Oplus...
Đi tìm cá tính riêng
Không chỉ giới hạn mình ở thị trường trong nước, thông qua mạng xã hội, các nghệ sĩ trẻ năng động đã mở rộng đối tượng khán giả ra tận nước ngoài. Như ca sĩ Tăng Duy Tân gây sốt mạng xã hội với ca khúc “Dạ vũ”. Không chỉ đạt hơn 76 triệu view trên TikTok, 27 triệu view trên YouTube, ca khúc này còn “tấn công” sang mạng Douyin - TikTok Trung Quốc, đạt hơn 2 tỉ view, được cộng đồng mạng xứ Trung gọi là “thần khúc của Việt Nam”. Hay như bài hát “Bên trên tầng lầu” cũng của Tăng Duy Tân đã vào Top Thịnh hành của YouTube thế giới.
Còn có nam ca sĩ Wren Evans với MV “Gặp may” đang nổi đình nổi đám trong nước và được đại diện âm nhạc Việt nam tranh tài ở hạng mục Video âm nhạc hay nhất (Best Music Video) tại Giải thưởng Truyền hình châu Á - Asian TV Awards. Một “hiện tượng” âm nhạc nổi bật thời gian qua là nữ ca sĩ Mỹ Anh với những sáng tác xuất hiện tại lễ hội âm nhạc Head In The Clouds do 88Rising tổ chức tại Mỹ và được khán giả nước ngoài đón nhận.
Tuy nhiên, năng động, đa tài là thế, nhưng dường như những nghệ sĩ mới vẫn có chút gì đó “thiếu thiếu” cá tính âm nhạc. Nghệ sĩ trẻ tạo “trend” rất giỏi, nhưng cũng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các “trend”. Thế nên, có khi người nghe phát nhàm tai vì những ca khúc có âm điệu, tiết tấu, ca từ na ná giống nhau, thậm chí giống đến cả cách thể hiện và... tương tự một ca khúc nhạc nước ngoài nào đó.
Mặt khác, được nâng đỡ bởi mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ trẻ bị phụ thuộc, bị “ảo tưởng” bởi chính những con số vô hồn trên mạng. Ca khúc có lượt “view” khủng, xuất hiện trong các bảng xếp hạng này nọ chưa hẳn đã chứng minh ca khúc ấy thực sự hay, chất lượng, có giá trị, chỉ có thể đánh giá rằng nó hợp thị hiếu nhất thời của số đông. Nhiều nghệ sĩ trẻ lại bị nhầm lẫn giữa hai yếu tố đó, tự hài lòng với chính mình, “giậm chân tại chỗ”.
Như nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã nhận xét, điểm mạnh của thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay là giai điệu, ca từ dễ nghe, bắt tai, bắt được thị hiếu tốt. Nhưng cái họ đang thiếu là cá tính âm nhạc thực sự cả trong giọng hát lẫn các sáng tác.