Vụ “biến mất” không dấu vết
Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời nghị sỹ nước này Kim Min-ki, người cùng là thành viên Ủy ban tình báo quốc gia của Quốc hội Hàn Quốc, cho hay Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tại một cuộc họp kín tiết lộ câu chuyện. Đó là việc quyền Đại sứ Triều Tiên tại Italia Jo Song-gil cùng với vợ đã biến mất tại Italia.
Một quan chức tình báo Hàn Quốc tại cuộc họp cho biết, ông Jo và vợ con đã rời khỏi khu phức hợp Đại sứ quán từ đầu tháng 11/2018. Vụ việc diễn ra ít ngày trước khi ông này hết nhiệm kỳ tại Italia trong cùng tháng. “Họ đã rời khỏi phái đoàn ngoại giao và biến mất”, ông Kim dẫn tin tức tình báo của Hàn Quốc.
Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin ông Jo đã nộp đơn xin tị nạn ở một nước phương Tây. Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết thêm rằng ông Jo và gia đình đang ở một nơi an toàn dưới sự bảo vệ của giới chức Italia. Vẫn theo nguồn tin trên, giới chức Italia vẫn đang đau đầu về bước đi tiếp theo đối với trường hợp này.
Tuy nhiên hãng thông tấn Ansa của Italia ngày 3/1/2019 đưa tin, Bộ Ngoại giao Italia khẳng định không hề nhận được thông tin gì về vụ việc, và Italia cũng chưa nhận được yêu cầu tị nạn từ một nhà ngoại giao Triều Tiên nào.
Một quan chức khác của Bộ Ngoại giao Italia nêu rõ ông Jo không còn địa vị ngoại giao ở Italia vì Triều Tiên vào cuối năm 2018 thông báo đã cử đại diện mới tới Rome. “Mọi việc diễn ra theo một quy trình hoàn hảo. Việc thay đổi nhân sự đến thời điểm này đã hoàn tất”, nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Italia khẳng định.
Ông Jo, 48 tuổi, tới Italia từ năm 2015 và giữ chức quyền Đại sứ Triều Tiên tại Italia từ tháng 10/2017, sau khi Italia trục xuất đại sứ trước đó Mun Jong-nam để phản đối việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Các nguồn tin cho hay, ông Jo thông thạo tiếng Pháp, tiếng Italia và tiếng Anh. Nhiệm kỳ của ông Jo theo quy định kết thúc vào cuối tháng 11/2018.
Tờ JoongAng của Hàn Quốc dẫn thông tin từ một chuyên gia Triều Tiên cho biết ông Jo là con trai hoặc con rể của một trong những quan chức cấp cao nhất tại Triều Tiên. Bởi, theo truyền thông Hàn Quốc, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên vào năm 2011, các nhà ngoại giao Triều Tiên khi tới làm việc ở nước ngoài thường được yêu cầu phải để một số thành viên trong gia đình ở lại trong nước, thường là con cái của họ, để ngăn chặn khả năng họ đào tẩu.
Tuy nhiên, ông Jo đã được tới Rome vào tháng 5/2015 cùng vợ và các con. Tờ JoongAng cho rằng, điều này cho thấy ông này có thể xuất thân từ một gia đình danh giá.
Nhân vật “danh gia vọng tộc”
Còn theo ông Thae Yong Ho, cựu Phó Đại sứ Triều Tiên tại London, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016, ông Jo Song-gil xuất thân trong một gia đình ngoại giao danh giá, có bố đẻ và bố vợ đều làm việc trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Ông Thae tiết lộ, cha của ông Jo mất sớm nhưng ông này vẫn tích cực phấn đấu và đi theo con đường ngoại giao của cha. Jo có cha vợ là ông Ri To Sop, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Bộ Ngoại giao Triều Tiên và là Tổng lãnh sự Triều Tiên tại Hong Kong hồi những năm 2000. Ông Ri cũng chính là người phụ trách phần nghi thức tại các sự kiện có cha và ông nội của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un tham dự.
Cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh nói rằng, vợ của ông Jo cũng tốt nghiệp từ một trường y danh giá ở thủ đô Bình Nhưỡng. Vợ chồng họ rất có điều kiện và sống ở “căn hộ đẹp bậc nhất” tại thủ đô Bình Nhưỡng khi làm việc ở Triều Tiên.
|
Ông Jo Song-gil (ở giữa) |
Ông Thae cho biết thêm rằng ông Jo từng học tập ở Italia từ năm 2006 tới 2009. Lần cuối cùng ông ta gặp ông Jo là trước khi ông lên đường tới Anh làm nhiệm vụ năm 2013. Ở thời điểm đó, ông Jo có một đứa con. Lưu ý bản thân từng có đến 10 năm làm việc chung với ông Jo ở Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Thae cho hay ông đã bị sốc trước thông tin ông Jo biến mất.
“Tôi đã làm việc với ông Jo tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên rất lâu nhưng không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng ông ấy lại tìm cách xin tị nạn ở nước ngoài”, ông Thae được truyền thông Hàn Quốc dẫn lời nói.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Hàn Quốc, ông Thae cũng cho rằng, đại sứ quán ở Italia có ý nghĩa quan trọng với Triều Tiên vì phái bộ ngoại giao này đảm trách việc tiến hành các cuộc thương lượng với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực và Thế giới (WFP) về viện trợ lương thực cho Triều Tiên, một vấn đề rất có ý nghĩa với Triều Tiên trong bối cảnh nước này vẫn đang thiếu thốn lương thực. Theo một nguồn tin thân cận với vấn đề, người thay thế ông Jo giữ chức quyền đại sứ Triều Tiên tại Italia là ông Kim Chon.
Vì sao đào tẩu?
Nếu được xác nhận, ông Jo sẽ là người mới nhất trong danh sách những quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đã đào tẩu. Nhà ngoại giao cấp cao gần nhất của Triều Tiên đào tẩu là ông Thae Yong Ho. Trong các cuộc phỏng vấn sau khi đã bỏ trốn sang Hàn Quốc, ông Thae cho biết ông quyết định phản bội Triều Tiên sau khi bị yêu cầu quay trở lại Bình Nhưỡng.
Sau khi Thae đào tẩu, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã xác nhận vụ việc, gọi ông này là một “kẻ cặn bã” và cho rằng ông này bỏ trốn là để tránh bị trừng phạt sau khi đã có những vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Thae đã bác bỏ cáo buộc có vi phạm và khẳng định việc đào tẩu là để con cái của ông ta có tương lai tốt đẹp hơn.
Các nhà quan sát cho rằng một vụ đào tẩu của quan chức cấp cao của Triều Tiên sẽ khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “mất mặt” ở thời điểm ông đang theo đuổi chính sách ngoại giao tích cực với Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời tìm cách xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo uy tín trên chính trường quốc tế.
Vì vậy, ông Koh Yu-hwan – một chuyên gia về Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk ở Seoul - cho rằng Triều Tiên có thể sẽ phớt lờ những đồn đoán về khả năng ông Jo đã đào tẩu hoặc phản bác mạnh mẽ thông tin này để tránh những săm soi, chỉ trích nhằm vào chính quyền.
Ông Koh cũng cho rằng nhiều khả năng ông Jo cũng tìm cách đào tẩu vì lý do tương tự với ông Thae. “Sau nhiều năm có được cuộc sống thoải mái ở phương Tây, một số nhà ngoại giao có thể sẽ không thể chấp nhận được việc phải quay trở về Triều Tiên.
Họ muốn con cái họ được sống trong một xã hội khác, được thụ hưởng một nền giáo dục tốt hơn”, ông Koh, người đồng thời cũng là cố vấn chính sách cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhận định.
Theo Chính phủ Hàn Quốc, khoảng 30.000 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đến nay. Trong đó, người có vị trí cao nhất tại Triều Tiên từng đào tẩu sang Hàn Quốc là ông Hwang Jang-yop – một quan chức cấp cao của Đảng Công nhân Triều Tiên, từng là giáo viên của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Ông này đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 1997 và sống ở đây cho đến khi qua đời vào năm 2010. Cũng trong năm 1997, đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập cũng đã bỏ trốn và định cư tại Mỹ.
Một tờ báo phương Tây cho biết thêm chi tiết về gia cảnh người đào tẩu: “Cách đây 15 năm, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách người liên lạc với một tổ chức phi chính phủ Pháp ở Bình Nhưỡng. Nói thông thạo tiếng Pháp, ông được mô tả như một người có học thức, không huênh hoang và đặc biệt thông minh.
Theo báo Asia Times, cha của ông là phó Ban Tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên thời Kim Jong Il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong Un. Điều đó có nghĩa là nhà ngoại giao đào thoát có lẽ nắm được những thông tin quý giá về tầng lớp cầm quyền ở Bình Nhưỡng và cách vận hành nội bộ của chế độ. Những thông tin đó có thể tạo thuận lợi cho việc xin tị nạn của ông, để được một nước thứ ba đón tiếp".