Tuyên bố này xuất hiện lần đầu tiên trong phóng sự trên truyền hình Israel tối 7/9, dẫn lời hai nhà nghiên cứu các tài liệu được gọi là “Hồ sơ Mitrokhin” lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Churchill thuộc ĐH Cambridge tại Anh.
Mật danh “Chuột chũi”
Hai nhà nghiên cứu, Gideon Remez và Isabella Ginor, thuộc Viện nghiên cứu Truman tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, cho biết vào năm 1983, ông Abbas đã làm đặc vụ của KGB (Cơ quan Tình báo của Liên bang Xôviết) ở Damascus với mật danh “Chuột chũi”.
Ông Remez cho rằng ông Abbas không chỉ là một “nguồn tin hay cộng tác viên” đơn thuần mà “tài liệu cho thấy rõ ràng rằng ông Abbas là một đặc vụ KGB”.
Trả lời AFP, người phát ngôn của ông Abbas, Nabil Abu Rudeineh, cho rằng vụ việc vừa qua là một trong những tuyên bố vô lý của Israel mà Palestine đã quá quen thuộc. Theo ông, đây là một “chiến dịch bôi nhọ” của Israel, đồng thời khẳng định Israel đang tìm cách phá hoại sáng kiến hòa bình của Nga. Ông Abu Rudeineh nói:
“Rõ ràng là Israel hiện đang lo ngại về quan hệ chiến lược của Palestine với Nga, cũng như quan điểm rõ ràng mà Nga đã khẳng định nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel và Palestine trên cơ sở Palestine là một nhà nước độc lập và có quyền tự quyết đối với người dân của mình”.
Ông Abbas ra đời trong thời kỳ Anh đang đô hộ Palestine, tuy nhiên gia đình ông đã bỏ trốn sang Syria khi cuộc chiến năm 1948 đang bùng phát, giai đoạn hình thành nhà nước Israel. Năm 1980, ông Abbas được bổ nhiệm vào vị trí Ủy viên Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine. Theo tiểu sử trên mạng của ông Abbas, ông từng học Tiến sỹ ở Moskva năm 1982.
Còn là “nghi án”
Hồ sơ Mitrokhin, trong đó có tài liệu vừa được phát hiện về ông Abbas, là những tài liệu về KGB được đưa lén đến Anh.
Hồ sơ này được đặt theo tên Thiếu tá Vasili Mitrokhin, một quan chức cấp cao thuộc bộ phận lưu trữ tình báo nước ngoài của KGB từ năm 1972 cho đến khi ông ta nghỉ hưu năm 1984. Do bất bình với tình trạng đàn áp trong nước của chế độ Xôviết, ông ta đã bí mật sao chép bằng tay các tài liệu, bỏ trốn sang Anh cùng với chúng năm 1992.
Chuyên gia người Israel về lịch sử Liên Xô thuộc ĐH Tel Aviv, Yaacov Roi, cho rằng công bố của Israel về ông Abbas là đáng tin cậy. Ông nói: “Có rất nhiều đầu mối liên lạc ở Trung Đông với Liên bang Xôviết cũ. Việc Liên bang Xôviết có thể đã nỗ lực sử dụng Abu Mazen (ông Abbas) trong KGB khi ông còn đang làm nghiên cứu sinh là hoàn toàn hợp lý”.
Phóng sự trên xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực tổ chức các cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Vừa qua, Đặc phái viên tại Trung Đông của ông Putin, Mikhail Bogdanov, đã có cuộc gặp với cả ông Netanyahu và giới quan chức Palestine.
Ông này cũng đã có cuộc gặp Tổng thống Abbas ở Jordan hồi giữa tháng 8/2016. Tổng thống Abbas cho biết đã sắp xếp một cuộc gặp với ông Netanyahu song sau đó đã không tiến hành cuộc gặp này do đề nghị tạm hoãn của một quan chức thân cận với Thủ tướng Israel.
Ông Netanyahu khẳng định quan điểm của mình rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Abbas bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào, chừng nào cuộc gặp này không yêu cầu điều kiện tiên quyết.
Giới lãnh đạo Palestine trước đó đã kêu gọi Israel phóng thích các tù nhân, đề ra hạn chót cho việc chấm dứt hoạt động chiếm đóng ở Bờ Tây và ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư của Israel như là các điều kiện để nối lại các cuộc đối thoại.
Những nỗ lực hòa bình đã thực sự rơi vào bế tắc kể từ khi sáng kiến do Mỹ khởi xướng bị thất bại vào tháng 4/2014. Hai nhà lãnh đạo Abbas và Netanyahu chưa có cuộc gặp chính thức nào kể từ năm 2010; tuy nhiên, có những thông tin chưa được kiểm chứng cho biết vẫn có những cuộc gặp bí mật giữa hai nhân vật này..