Nghị định 116 không “phủ sóng” tới xe sang?

(PLO) - Sau rất nhiều cuộc họp của Chính phủ và các doanh nghiệp xung quanh Nghị định 116, dường như cửa mở nhập khẩu cho ô tô nguyên chiếc đang được… hé dần. Tuy nhiên, trong khi “cơn lốc” 116 đã “cuốn phăng” rất nhiều hãng nhập khẩu ô tô thì dường như phân khúc xe sang đã và đang nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Nghị định này. 
Mercedes-Benz chính thức xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1995

Dòng xe sang nào đã lăn bánh ở Việt Nam?

Tính đến thời điểm này, đã có 11 thương hiệu xe sang được phân phối chính thức ở thị trường Việt Nam, bao gồm: Mercedes-Benz, BMW, Peugeot, Audi, Lexus, Porsche, Land Rover, Jaguar, Bentley, Rolls Royce và Lamborghini. Xuất hiện sớm nhất chính là BMW khi đổ bộ vào Việt Nam năm 1992 với việc lựa chọn liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) làm đơn vị lắp ráp và phân phối. 

Tuy nhiên, số lượng bán ra không như kỳ vọng, BMW đã thay đổi phương thức hoạt động tại Việt Nam. Hãng ngưng hợp tác với VMC, ngừng lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam với sự hợp tác cùng Euro Motor. Euro Motor đã có những kết quả đột phá trong việc phân phối thương hiệu BMW nhưng như một cái dớp, Euro Motor lại dính phải vụ án trốn thuế, khiến cho 700 chiếc BMW đã cập cảng Việt Nam mà không thể thông quan. Chủ sở hữu của BMW đã cắt hợp đồng phân phối. Và Trường Hải Motor đã nhanh tay nhận được quyền phân phối hãng xe sang này, bắt đầu từ năm 2018.

Sau BMW, Mercedes-Benz cũng chính thức xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1995. Hãng này cũng tiến hành đón đầu ngành công nghiệp ô tô bằng phương thức lập nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam với 100% linh kiện phụ tùng được nhập khẩu từ nước Đức. Không giống với người đồng hương BMW, Mercedes-Benz lại rất thuận lợi ngay từ những ngày đầu sang Việt Nam và được khách hàng người Việt đón nhận nhiệt tình. 

Hai hãng xe của Đức độc quyền dòng xe sang ở Việt Nam cho tới năm 2008, khi Audi và Porsche chính thức thông tin về những nhà phân phối đầu tiên tại Việt Nam của họ. Kể từ đó, thị trường xe sang liên tiếp đón nhận thêm những thương hiệu mới, gồm: Lexus, Lamborghini và Peugeot vào năm 2013; Land Rover, Jaguar, Bentley và Rolls Royce năm 2014. 

Trong số những thương hiệu kể trên, Audi được đánh giá là một thương hiệu được giới thượng lưu Việt Nam ưa chuộng. Điều này khiến cho việc người Việt Nam đầu tiên sở hữu một chiếc xe Audi khi Audi chưa chính thức được phân phối tại Việt Nam làm dư luận xôn xao một thời gian khá dài. Đã từng có những khách hàng tuyên bố “kết” Audi vì vẻ huyền bí của nó. 

Còn lại, các thương hiệu khác đều được sở hữu bởi những doanh nhân tầm cỡ, những ngôi sao hàng đầu showbiz càng đẩy lên độ “hot” của những dòng xe sang tại thị trường Việt Nam. Xuất hiện muộn nhất trong số những dòng xe sang chính là Rolls Royce. Ông chủ sở hữu Rolls Royce gây bất ngờ lớn khi lựa chọn một nhà phân phối chính thức lại chưa hề có tên tuổi trong giới siêu xe ở Việt Nam. Có lẽ hãng xe này thích thú với nhân vật “kém hot” này vì tình yêu với Rolls Royce hơn là sức ảnh hưởng của nhân vật này tới thị trường xe sang ở Việt Nam. 

Có bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116?

Tính đến thời điểm này, tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe sang gần như hoàn toàn thuộc về thương hiệu xe Mercedes-Benz. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2017, Mercedes-Benz Việt Nam đã bán được 6.243 xe, trong đó lượng xe du lịch là 5.418 xe, chiếm tới 84% tổng doanh số xe sang của VAMA.

Thương hiệu xếp thứ 2 sau Mercedes-Benz  là Lexus với 809 xe (chiếm 12%). Tuy nhiên, với doanh số ấn tượng mà Peugeot vừa công bố cùng với việc Thaco (đơn vị phân phối chính thức Peugeot tại Việt Nam) được Tập đoàn mẹ Peugeot trao giải thưởng “Phát triển hệ thống showroom và xưởng dịch vụ nhanh nhất thế giới”, nhiều khả năng Lexus Việt Nam sẽ không giữ được vị trí thứ 2 của mình trong phân khúc xe sang. 

Với kết quả kinh doanh ấn tượng, thương hiệu Mercedes-Benz chiếm tới 70% thị phần xe sang tại Việt Nam, Lexus và Peugeot chiếm khoảng 20% thị phần. Như vậy, 3 vị trí dẫn đầu dòng xe sang tại Việt Nam đã chiếm đến 90% thị phần xe sang trong nước. Chỉ còn khoảng 10% cho 8 thương hiệu còn lại, do đó, sự lựa chọn dành cho khách hàng còn rất nhiều. 

Hầu hết các đại lý phân phối xe sang đều vẫn đang có nhiều hoạt động để thu hút hơn nữa khách hàng đến với dòng xe này. Trong khi, ở một phân khúc khác, gần đây, các hãng nhập khẩu xe ô tô đều đang “nóng bừng bừng” vì không còn xe để bán, thì dường như dòng xe sang đang nằm ngoài “đám lửa” đó. Bởi thương hiệu chiếm thị phần cao nhất là Mercedes-Benz lại đã có xưởng sản xuất ở Việt Nam. Có vẻ như, dòng xe sang này được xem như không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116, ngoại trừ thương hiệu Lexus. 

Lexus được Toyota phân phối độc quyền nhưng mới chỉ có 2 đại lý (ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) kể từ ngày góp mặt chính thức trên thị trường Việt Nam. Dòng xe sang này đã chính thức “cạn” nguồn hàng để bán từ cuối năm 2017. Đây là thương hiệu xe sang duy nhất bị ảnh hưởng trầm trọng bởi Nghị định 116. Nhân viên bán hàng ở Lexus Mỹ Đình tỏ rõ sự chán nản khi chúng tôi đặt câu hỏi “Hết quý I/2018, Lexus Mỹ Đình sẽ bán gì”? 

Trong một diễn biến khác, mới đây, Bộ GTVT cho biết đã có một vài doanh nghiệp có giấy “Chứng nhận kiểu loại”, nhưng trong danh sách chưa thấy xuất hiện hãng Toyota. Do vậy, Lexus dường như vẫn chưa có cửa về Việt Nam. 

Tuy nhiên, với giá bán ra của Lexus biến động ở mức từ khoảng 2 tỷ lên đến khoảng 10 tỷ đồng, giới thượng lưu Việt Nam vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác cho xe cùng giá tiền. Bởi theo cập nhật bảng giá của năm 2018, các dòng xe sang ở Việt Nam cũng nằm trong khoảng giá tương tự như Lexus, ngoại trừ những dòng xe được gọi là siêu sang. Như vậy, giới chơi xe sang ở Việt Nam không có gì phải lo lắng về Nghị định 116?  

Mercedes-Benz chiếm 84% tổng doanh số xe sang của VAMA

Tính đến thời điểm này, tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe sang gần như hoàn toàn thuộc về thương hiệu xe Mercedes-Benz. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2017, Mercedes-Benz Việt Nam đã bán được 6.243 xe, trong đó lượng xe du lịch là 5.418 xe, chiếm tới 84% tổng doanh số xe sang của VAMA.

Đọc thêm