Nghi phạm khủng bố ở Na Uy hành động đơn lẻ

Nghi phạm gây ra hai vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở  ở Oslo và đảo Utoeya, Na Uy cuối tuần trước khiến tất cả ít nhất 92 người thiệt mạng đã nhận tội và khẳng định là hành động “một mình”, sau khi bị cảnh sát thẩm vấn.

Nghi phạm gây ra hai vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở  ở Oslo và đảo Utoeya, Na Uy cuối tuần trước khiến tất cả ít nhất 92 người thiệt mạng đã nhận tội và khẳng định là hành động “một mình”, sau khi bị cảnh sát thẩm vấn. 

Bức ảnh chụp nghi phạm Anders Behring Breivik mặc đồ bơi và mang súng máy xuất hiện sau vụ khủng bố. Ảnh: AP
Bức ảnh chụp nghi phạm Anders Behring Breivik mặc đồ bơi và mang súng máy xuất hiện sau vụ khủng bố. Ảnh: AP

Nghi phạm là Anders Behring Breivik. Hắn thừa nhận gây ra các vụ đánh bom ở Oslo và vụ xả súng điên cuồng ở đảo Utoeya của Na Uy. Luật sư của hắn nói trên truyền hình Na Uy NRK: “Thân chủ của tôi giải thích rằng việc làm đó là tàn ác nhưng anh ta cho là phải thực hiện”. Luật sư này cũng cho biết, các vụ tấn công thực sự “đã được lên kế hoạch trong một thời gian dài”.Ngoài ra, cảnh sát cho hay, Breivik đã khẳng định hắn hành động “một mình”. Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn cần phải xác định liệu có “một hoặc nhiều” tên giết người khác tham gia vụ xả súng vào nhóm thanh niên trên đảo Utoeya hay không. Cảnh sát cũng thông báo, ngoài 92 nạn nhân thiệt mạng, còn có 97 người khác bị thương trong cả hai vụ tấn công và một số người khác mất tích chưa xác định được. 

Theo một tập tài liệu dài 1.500 trang mà Anders Behring Breivik tung lên Internet, nghi phạm này đã tích cực chuẩn bị cho chiến dịch của hắn ít nhất từ tháng 8/2009. Breivik đã mô tả chi tiết các khâu chuẩn bị, nêu ra việc “dùng chủ nghĩa khủng bố như một phương tiện làm thức tỉnh đám đông” và  mong chờ vụ khủng bố mà hắn gây ra được đánh giá là vụ tấn công khủng bố lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Căn cứ những thông tin trên mạng Internet thì Anders Behring Breivik là một người đàn ông gốc Na Uy, 32 tuổi và theo đạo Thiên chúa, quan chức cảnh sát Roger Andresen cho hay. Cũng theo cảnh sát, nghi phạm khủng bố này mang quan điểm chính trị cực hữu và từng có những tuyên bố thù địch với Hồi giáo.

Trong khi đó, Đảng Thăng tiến (FrP), một tổ chức của phái hữu ở Na Uy, đã thông báo nghi phạm gây ra hai vụ tấn công khủng bố tại Oslo và đảo Utoeya từng là thành viên của đảng này. FrP cho biết rõ, nghi phạm nói trên đã vào đảng này năm 1999, song đã rút năm 2006. Từ năm 2002 đến năm 2004, hắn ta phụ trách một phong trào thanh niên của FrP tại địa phương.

Trên Facebook, nghi phạm khủng bố này tự giới thiệu mình là giám đốc của Breivik Geofarm, một trang trại sinh vật học mà từ đây hắn có thể tiếp cận các sản phẩm hóa học có thể được sử dụng để chế tạo thuốc nổ. Một trung tâm mua bán hàng nông sản cho biết, hồi đầu tháng 5 vừa qua hắn ta đã mua 6 tấn phân bón hóa học.

Sau khi Breivik bị bắt giữ trên đảo Utoeya, các nhà điều tra đã cho rằng nghi phạm Breivik chính là thủ phạm gây ra cả hai vụ tấn công: một là vụ nổ bom ở trung tâm Oslo và hai là vụ thảm sát đẫm máu trên đảo Utoeya, gần thủ đô.

Khi cảnh sát tới hiện trường, hắn ta không hề kháng cự khiến cảnh sát không phải bắn một viên đạn nào. Nguồn tin từ cảnh sát Na Uy cho hay, vụ xả súng đẫm máu trên đảo Utoeya đã kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Thủ phạm có hai khẩu súng.

Cho đến giờ, động cơ giết người cụ thể của hắn vẫn chưa được rõ. Hiện các nhà điều tra đang cố gắng xác định xem liệu kẻ giết người thứ hai có mặt ở trên đảo Utoeya như lời một vài nhân chứng nói hay không.

Cho tới hôm qua, lực lượng cứu hộ vẫn đang cố tìm kiếm những thi thể có thể còn mắc kẹt dưới những đống đổ nát tại hiện trường vụ đánh bom là Văn phòng của Thủ tướng Jens Stoltenberg và trụ sở Bộ Dầu mỏ - Năng lượng ở Oslo. Tuy nhiên, công tác cứu hộ rất khó khăn bởi toàn bộ các tòa nhà bị hư hại trong vụ nổ có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, cảnh sát Na Uy cũng đang tìm kiếm những người mất tích trên đảo Utoeya, nên số nạn nhân trong vụ khủng bố kép tại nước này có thể còn tăng lên. Vẫn còn 4 người trên đảo Utoeya chưa xác định được tung tích. Lực lượng cứu hộ lo ngại họ có thể đã bị chết đuối khi cố bơi để tránh cuộc bắn giết của Breivik.

Những người sống sót trong vụ xả súng ở Utoyea kể lại rằng trong lúc hoảng loạn, nhiều người đã lao xuống nước, trèo lên cây để tìm cách thoát thân hoặc phải giả chết để sống sót.

Dư luận quốc tế đã kịch liệt lên án các vụ tấn công đẫm máu ngày 23/7 ở Na Uy, đồng thời bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với chính phủ và người dân nước này.

Quang Minh (theo AFP, BBC)