Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo gửi Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, trong bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng.
Chú trọng nhưng kết quả chưa như mong đợi
Đó là đánh giá chung về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19/ 2017 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo hồi tháng 3. Theo đó, nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức khá đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết, vì vậy hầu hết báo cáo đã bám sát các nội dung theo yêu cầu.
Tuy vậy, khoảng 10 địa phương vẫn còn báo cáo chung chung, không bám sát Nghị quyết hoặc không đánh giá kết quả, chủ yếu là nêu thành tích, các giải pháp triển khai còn mang tính hình thức. Hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được thực hiện ở tất cả các địa phương. Đã có những sáng kiến cải cách TTHC, nhưng chưa nhiều, chủ yếu vẫn tập trung vào một số tỉnh, TP như Quảng Ninh, Bắc Ninh,...
Thực hiện nhiệm vụ cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, tính đến tháng 3, mới chỉ có 2 Bộ (gồm Công thương và Xây dựng) có dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh. Nghị định do Bộ Công thương dự thảo đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nghị định do Bộ Xây dựng dự thảo đã trình thẩm định.
Đã có 2 Bộ (gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh; nhưng chưa nêu phương án sửa đổi. Còn Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữ nguyên các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng do ngành nghề đặc thù. Như vậy, mới chỉ có 5 Bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các Bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay, các Bộ, ngành đã nắm rõ yêu cầu về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Một số Bộ (Công thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Xây dựng) đã có hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ này, nhờ vậy tạo một số chuyển biến trong kiểm tra chuyên ngành, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Thời gian thực hiện một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được rút ngắn hơn trước. Song nhìn chung mức độ cải thiện trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chậm; những trở ngại, vướng mắc trước đây gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp chưa được khắc phục.
Cụ thể như danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng, thậm chí có mặt hàng/nhóm mặt hàng mở rộng hơn so với phạm vi cho phép của luật. Quản lý chuyên ngành chồng chéo giữa các Bộ vẫn chưa được cải thiện (ngoại trừ những thay đổi tích cực trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Nghị định 15 thay thế Nghị định 38).
Như vậy, nhìn chung các Bộ, ngành, địa phương đã có sự quan tâm, chú trọng và vào cuộc nhiều hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 19. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, mức độ thực hiện các giải pháp và kết quả đạt được còn ít và chậm hơn so với yêu cầu của Nghị quyết cũng như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các Bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết, nhất là việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh và cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện tích cực, nhưng vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực.
Tại cuộc họp ngày 7/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu trong năm 2018, phải khắc phục bằng được tình trạng thực hiện Nghị quyết 19 không đồng đều ở các Bộ ngành Trung ương.
Tăng các chỉ số môi trường kinh doanh thêm từ 8-18
Mục tiêu của Nghị quyết 19/2018 là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.
Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.
Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.
Về rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, đối với các Bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh cụ thể, thì hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2018. Đối với các Bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018.
Về cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập hợp, cung cấp danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm.
Các bộ, ngành cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018. Danh mục hàng hóa cắt giảm phải kèm theo mã HS tương ứng quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính và phải được quy định tại một quyết định cụ thể.
Trước ngày 31/10/2018, hoàn thành việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc với đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ về việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tư pháp.
Trên cơ sở Báo cáo số 103/BC-BTP của Bộ Tư pháp về việc báo cáo kết quả thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh của Bộ Tư pháp, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 181/HĐTV góp ý đối với Báo cáo rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tư pháp và phương án đơn giản hóa các điều kiện.
Theo đó, dự kiến đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đạt tỷ lệ 44% đối với các điều kiện kinh doanh của 7 ngành, nghề thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng phương án đơn giản hóa vẫn chưa đáp ứng mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP với mức tối thiểu là 50% điều kiện kinh doanh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và tiếp thu ý kiến của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Cục Bổ trợ tư pháp đã rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh, bổ sung các điều kiện kinh doanh còn thiếu, xác định rõ các điều kiện kinh doanh (không phải là thủ tục hành chính) thuộc lĩnh vực tư pháp. Cụ thể, bổ sung 1 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tư pháp; bỏ 16 điều kiện vì chỉ là giấy tờ thuộc thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh (như giấy tờ chứng minh về trụ sở của chi nhánh, danh sách trọng tài viên, nhân viên dự kiến làm việc tại chi nhánh trong lĩnh vực trọng tài thương mại, trong lĩnh vực giám định tư pháp, thừa phát lại…). Như vậy, hiện nay trong lĩnh vực tư pháp có tổng cộng 84 điều kiện kinh doanh và dự kiến cắt giảm 44/84 điều kiện kinh doanh, chiếm tỷ lệ 52%.