Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là 'xương sống' để Nghệ An phát triển toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 18/7, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ.
Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị sẽ là động lực mới cho tỉnh Nghệ An phát triển bền vững. Ảnh: Thiên Ý
Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị sẽ là động lực mới cho tỉnh Nghệ An phát triển bền vững. Ảnh: Thiên Ý

Xây dựng Nghệ An trở thành động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ

Mục tiêu của Nghị quyết 39 là đến năm 2030, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đến năm 2045, đưa Nghệ An trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, văn minh và hiện đại; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đưa ra quan điểm: xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An một cách toàn diện, có trọng tâm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Về kinh tế, Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10 - 11%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng khoảng 12%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 1.650 nghìn tỉ đồng. Đến năm 2030, cơ cấu GRDP: Nông, lâm, thuỷ sản chiếm 13,5 - 14%; công nghiệp, xây dựng: 42 - 42,5%; dịch vụ: 39 - 39,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 4,5 - 5%; GRDP/người đạt khoảng 7.500 - 8.000 USD (giá hiện hành); tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 40%....

Mục tiêu của Nghị quyết 39 là phát triển TP.Vinh, Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế của cả khu vực Bắc Trung bộ. Ảnh: Thiên Ý

Mục tiêu của Nghị quyết 39 là phát triển TP.Vinh, Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế của cả khu vực Bắc Trung bộ. Ảnh: Thiên Ý

Động lực mới cho Nghệ An phát triển bền vững

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh Nghệ An cần tập trung thực hiện.

Cụ thể, phải thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Cụ thể, tập trung quán triệt, tuyên truyền tạo sự thống nhất cao, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển. Trong đó, cần tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia;

Tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A. Tăng cường hợp tác với tỉnh Thanh Hoá, hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành như du lịch biển, kinh tế hàng hải, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, khai thác khoáng sản biển.

Phát triển mạnh mạng lưới đô thị, nhất là các đô thị trung tâm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển TP. Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Một góc TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thiên Ý

Một góc TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thiên Ý

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo. Triển khai có chất lượng, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển: Phấn đấu, nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI vào vị trí nhóm đầu cả nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong đó, cần tổ chức tốt việc khai thác khoáng sản bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn môi trường, cảnh quan.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Trong đó, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Trong đó, phải thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Có thể thấy, Nghị quyết 39 của Bộ Chính về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An mà còn có ý nghĩa với khu vực và cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Đọc thêm