Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Nghị quyết số 66-NQ/TW: Nghị quyết “đinh” của “bộ tứ chiến lược”

(PLVN) - Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh), thể chế đồng bộ và thông thoáng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình phát triển đất nước, đáp ứng được sự mong đợi của Nhân dân. Vì vậy, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là nghị quyết rất quan trọng, nghị quyết “đinh” trong “bộ tứ chiến lược” là khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật; và phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

- Thưa Đại biểu, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chúng ta biết rằng, gần đây có cụm từ là “bộ tứ chiến lược”, gồm có Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, theo tôi, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới có vai trò rất quan trọng. Bởi, ngay từ đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.

Đúng như vậy, nếu chúng ta có một thể chế đồng bộ và thông thoáng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là sẽ đáp ứng được sự mong đợi của Nhân dân. Có một thể chế đồng bộ và thông thoáng sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng như thủ tục cho việc phát triển doanh nghiệp, thủ tục đầu tư công.

Do vậy, công tác thể chế là rất quan trọng. Vì lẽ đó, Bộ Chính trị đã có một nghị quyết đặc thù về xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ rằng đây là một nghị quyết “đinh”, một nghị quyết rất quan trọng.

Qua thực tế được tham gia Quốc hội 3 khóa XIII, XIV, XV, chúng tôi thấy rằng công tác xây dựng thể chế, công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi những người soạn thảo luật phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Vì vậy, cần phải có chính sách, chế độ một cách ưu đãi nhất cho những người thực hiện công tác này.

Đồng thời, chúng ta cũng phải rà soát lại quy trình để đảm bảo xây dựng được các bộ luật vừa có tính đồng bộ, vừa có tính khả thi, đảm bảo được tuổi thọ lâu lâu đời, vừa hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế của thế giới nữa. Điều này đòi hỏi phải thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, am tường vào bộ phận làm luật.

Để làm được như vậy, tôi nghĩ rằng, ngoài các đại biểu Quốc hội chuyên trách, chúng ta cần mời thêm các nhà làm luật, các hội luật sư của các địa phương, của quốc gia cùng tham gia trong công tác soạn thảo luật.

Như trong Nghị quyết cũng đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp như thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật.

Có cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật. Thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công.

PV: Liên quan đến nội dung đại biểu vừa đề cập, hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật; trong đó có nội dung cho phép tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật được ký kết hợp đồng với các tổ chức cá nhân trong nước để đặt hàng thực hiện một phần nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật, ông có tán thành với đề xuất này không?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi cho rằng cần thiết phải có một cơ chế linh hoạt, tùy theo tính chất của luật mà chúng ta sẽ tổ chức hình thức Ban soạn thảo luật và quy trình để làm ra luật đó. Có luật phải làm đúng theo quy trình nhưng có những luật có thể rút gọn được, vấn đề quan trọng là hiệu quả, tính thực tiễn, độ dài, tính bền vững, đồng bộ, lâu đời của luật. Mà muốn như vậy thì phải tùy theo tính chất của luật và phải hết sức linh hoạt.

Xin cảm ơn Đại biểu!

Đọc thêm