Nhấn mạnh một trong những điểm mới của Nghị quyết là tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phòng, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, trục lợi, hướng lái chính sách..., Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng Bộ Chính trị đã đặt ra một vấn đề rất thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay.
Phân tích, Đại biểu chỉ ra rằng, các chính sách đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Do đó, nếu để lọt, xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm hay nói cách khác là tham nhũng chính sách thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho đất nước, cả về trước mắt lẫn lâu dài và đây cũng được nhận định chính là điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Bày tỏ tán thành cao với các nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật được nêu tại Nghị quyết, Đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ, con người là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực.
“Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật cũng vậy. Cho nên việc xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ là cốt lõi mà còn quyết định chất lượng trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Vì vậy, đây không chỉ là đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu trước mắt mà còn là một chiến lược mang tính dài hạn để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật cũng như công tác lập pháp của chúng ta”, Đại biểu khẳng định.
Đánh giá rất cao các nội dung của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) chỉ rõ, khi chúng ta đã nhận thấy “điểm nghẽn của điểm nghẽn” chính là thể chế, là công tác về pháp luật thì rõ ràng Nghị quyết số 66-NQ/TW đã tạo ra một lối mở, một hướng tiếp cận mới để trên cơ sở đó xử lý được những vấn đề liên quan đến điểm nghẽn về pháp luật.
![]() |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn |
"Những định hướng từ Nghị quyết số 66-NQ/TW giúp chúng ta có được giải pháp phù hợp trong công tác lập pháp trong giai đoạn sắp tới, để từ đó công tác lập pháp trở thành một nguồn lực mới thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Ở đó chúng ta có rất nhiều tư tưởng đột phá, những lối đi đột phá nhưng cần phải có xử lý đột phá từ công tác lập pháp”, Đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; phối hợp với Đảng ủy Quốc hội thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết này.
Tán thành cao với nội dung này, Đại biểu Bùi Hoài Sơn lưu ý, một trong những khâu mà chúng ta gọi là điểm nghẽn hay chưa thực hiện tốt trong thời gian vừa qua là việc thể chế các quan điểm của Đảng thành những chính sách, luật pháp và các kế hoạch hành động khác nhau.
"Chính vì thế nên khi chúng ta thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW này thành các cơ chế luật pháp, thành những kế hoạch hành động cụ thể sẽ giúp cho chúng ta không chỉ là khắc phục được những điểm nghẽn, những vấn đề mà chúng ta đã từng gặp phải mà còn thích nghi hơn nữa sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới”, Đại biểu nói.
Theo Đại biểu, khi chúng ta đang thực sự cần có sự vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới, phải tạo điều kiện cho những quan điểm, chủ trương của Đảng đi nhanh vào cuộc sống, thích nghi nhanh với thực tiễn để từ đó nhanh chóng đạt được những mục tiêu mà đặt ra.