Dự án đúng quy hoạch vẫn bị đề xuất thu hồi
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh Tập đoàn Công Thanh ‘kêu cứu’ tỉnh Thanh Hóa về việc Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp vừa có văn bản về việc thu hồi 400 m (phần mở rộng) bến cảng chuyên dụng Công Thanh.
Theo Tập đoàn Công Thanh, việc xây dựng Cảng chuyên dụng Công Thanh phù hợp với quy hoạch của Bộ GTVT. Theo quyết định số 2368 và Quyết định số 1401 của Bộ GTVT, Khu bến cảng Bắc Nghi Sơn được quy hoạch là khu vực tập trung các bến chuyên dụng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, bến chuyên dụng của nhà máy trong khu công nghiệp. Bộ cho rằng kiến nghị của Công ty CP Nhiệt điệt Công Thanh về đầu tư bến cảng chuyên dùng phục vụ dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tại khu vực Bắc Nghi Sơn về cơ bản là phù hợp quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt.
Doanh nghiệp cho biết đã chi 1.000 tỷ đồng để xây dựng cảng Công Thanh. Ảnh: Tuyết Nghĩa |
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đầu tư nghiên cứu, đề xuất vị trí xây dựng cụ thể, quy mô, năng lực thông qua hàng hóa bến cảng, đánh giá khoảng cách an toàn theo quy định; đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng.
Mặc dù đúng quy hoạch của Bộ GTVT, Cục Hàng hải nhưng lâu nay Tập đoàn Công Thanh vẫn “mắc cạn” vì thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng địa phương. Thậm chí, tập đoàn đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ để xây dựng bến cảng, giải phóng mặt bằng nhưng lại bị Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp đề xuất thu hồi.
Theo quan sát của PV tại bến cảng Công Thanh, doanh nghiệp này đã hoàn thành kè một khu bến cảng rộng và xây dựng nền xi măng kiên cố. Doanh nghiệp đã phải tự bỏ tiền để đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân gần đó. Về cơ bản, cảng chuyên dụng Công Thanh gần như hoàn thành phần mặt bằng để chuẩn bị xây dựng 2 cầu cảng chuyên dụng dài 800 m hướng ra phía biển.
Tập đoàn Công Thanh đã san lấp, đổ bê tông xây dựng cảng chuyên dụng Công Thanh. Ảnh: Tuyết Nghĩa |
Trả lời truyền hình VTC về vấn đề này, ông Lê Thanh Hà, Phó trưởng ban quản lý kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Dự án cảng chuyên dụng Công Thanh quá chậm, nên đề xuất thu hồi. Tôi nghĩ là hoàn toàn hợp lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Thủ tục rườm rà, “trên rải thảm, dưới rải đinh”?
“Phần cảng mở rộng bị đề xuất thu hồi vừa rồi liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh. Tuy nhiên, việc thu hồi cảng, Ban quản lý khu kinh tế không có sự bàn bạc với chủ đầu tư mà đơn phương làm. Trong khi đó, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để san lấp mặt bằng. Bởi trước đây, nơi này rất thấp, thường xuyên ngập nước”, một đại diện Tập đoàn Công Thanh nói.
Cùng quan điểm, ông Lê văn Phương, phụ trách dự án cảng chuyên dùng Công Thanh cho biết trong thời gian doanh nghiệp san lấp, đổ bê tông xây dựng cảng không có một đơn vị nào xuống nói về vấn đề thu hồi. Đến khi các công việc xong xuôi, Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp mới nói rằng thu hồi. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng và sử dụng bến cảng cho Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh và Xi măng Công Thanh là rất cần thiết.
Nói về các thủ tục hành chính tại địa phương, ông Nguyễn Đăng Mãi, Giám đốc dự án Nhiệt điện Công Thanh chỉ lắc đầu thở dài. Ông nói rằng trong quá trình thực hiện dự án, ông nhận thấy lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp chưa có những hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện. Điều này dẫn đến chậm trễ trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng.
Bản vẽ mặt bằng cảng chuyên dụng Công Thanh |
Ông Mãi dẫn chứng, hiện nay dự án Nhà máy nhiệt điện đang xin thủ tục cấp hành lang tuyến nước làm mát băng tải than đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch địa điểm. Trong quá trình thực hiện vướng mắc một số dự án khác nhưng Bản quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp không hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ.
“Hiện nay họ đang trình UBND tỉnh về chủ trương xin hướng tuyến băng tải than nước làm mát rồi mới bàn giao mốc ranh giới để giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng cho dự án. Nhưng đã lâu rồi mà không thấy kết quả”, ông Mãi nói.
Một đại diện của Tập đoàn Công Thanh nói, khi đến đây đầu tư, doanh nghiệp luôn tuân theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Đối với doanh nghiệp, cơ hội đầu tư chính là tiền. Việc chậm đầu tư đồng nghĩa với mất cơ hội. Doanh nghiệp khi đến các địa phương đầu tư luôn mong muốn thủ tục đơn giản và thời gian xét duyệt ngắn gọn.
“Nhưng có những việc loay hoay với thủ tục có khi đến hàng năm trời vẫn chưa xong”, vị này nói.
Vị này dẫn chứng về hệ thống băng tải than, khi Công Thanh vào khu kinh tế Nghi Sơn chưa có Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Khi nhà máy lọc dầu vào, họ yêu cầu tuyến của hệ thống băng tải than phải thay đổi.
Lúc đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã về họp với Công Thanh và nói rằng băng tải của nhà máy nhiệt điện phải vòng lên núi, đào hầm. “Nếu làm như thế thì giá điện phải lên đến 5.000 đồng/kWh. Lúc đó, chúng tôi phải giải thích công văn đi lại, họp bao nhiêu lần thì 7-8 tháng sau lại có công văn là giữ nguyên hiện trạng. Như vậy, chúng tôi mất gần 1 năm mà mọi việc vẫn đứng nguyên một chỗ. Trong khi đó, để hoàn thành thủ tục xây dựng Nhà máy nhiệt điện hay cảng Công Thanh phải trải qua rất nhiều thủ tục khác”, vị này nói.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề “trên rải thảm, dưới rải đinh” hiện nay dẫn đến các khu công nghiệp không được lấp đầy. Khi một doanh nghiệp đến đầu tư, gặp vấn đề thỉ tục rắc rối, họ sẽ ngại đầu tư và không dám quay lại. Đây là vấn đề mà các địa phương phải thay đổi nếu muốn thu hút đầu tư và tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.