Nghị sỹ Nga 'bật đèn xanh' cho việc rút khỏi hiệp ước vũ trang với NATO

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hạ viện Nga ngày 16/5 thông qua dự thảo luật chấm dứt Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Một phiên họp của Hạ viện Nga.
Một phiên họp của Hạ viện Nga.

Theo đài RT, dự thảo luật nói trên đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình lên Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) vào tuần trước.

Trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky lưu ý rằng CFE từ lâu chỉ tồn tại trên giấy tờ và nhấn mạnh rằng việc chấm dứt hiệp ước này sẽ giúp củng cố an ninh của Nga.

Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước - bao gồm Liên Xô và các đồng minh ở châu Âu - vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa 2 khối.

CFE đặt ra giới hạn về số lượng xe tăng, xe bọc thép, pháo, máy bay trực thăng và máy bay đóng quân ở châu Âu.

Mục đích của việc này là để ngăn chặn các bên tập trung lực lượng cho một cuộc tấn công kiểu phát xít và thiết lập sự cân bằng quân sự.

Tuy nhiên, Nga đã đình chỉ tham gia CFE vào năm 2007 vì cáo buộc các thành viên NATO liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước và từ chối phê chuẩn phiên bản cập nhật của thỏa thuận này.

Phát biểu ngày 15/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng hiệp ước CFE “từ lâu đã không còn phù hợp với thực tế” và “không thực sự được thực hiện trong nhiều năm”, cho thấy việc Nga rút lui sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với an ninh khu vực.

Ông Ryabkov cũng cho rằng NATO đã tiếp tục mở rộng thành viên của mình, do đó bỏ qua các hạn chế do hiệp ước áp đặt.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý rằng Nga chỉ đình chỉ tham gia hiệp ước vào năm 2007, với hy vọng rằng khả năng tồn tại của hiệp ước vũ khí này có thể được khôi phục một ngày nào đó.

Đầu năm nay, Nga cũng đã đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng với Mỹ.

Moscow giải thích động thái này bằng cách chỉ ra việc Washington từ chối cho phép Nga thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình và một số lý do khác.

Trong phát biểu ngày 16/5, ông Ryabkov tái khẳng định rằng Nga không có ý định công bố dữ liệu về tổng số đầu đạn của mình theo thỏa thuận START, mặc dù Mỹ gần đây đã công bố dữ liệu của mình. “Thỏa thuận START đã bị đình chỉ”, quan chức này nhấn mạnh.

Đọc thêm