Nghịch lý nợ nhiều nhưng vẫn cố xây cầu cao, đường dài ở Trung Quốc

(PLO) - Giáo sư về quản lý Atif Ansar của Trường Đại học Oxford cho biết chỉ chưa đầy 1/3 trong số 65 dự án đường sắt và đường cao tốc mà ông nghiên cứu ở Trung Quốc đem lại hiệu quả kinh tế thực sự. Số còn lại chỉ khiến nợ nần của chính quyền, doanh nghiệp địa phương và tình trạng tham nhũng của quan chức cao thêm chứ không vì nhu cầu vận tải.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ xô đi xây dựng nhiều công trình để chứng minh họ có thể thực hiện những công trình lớn hơn, tốt hơn và cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Nhờ đó, người Trung Quốc hiện có thể tự hào về việc họ có cây cầu cao nhất thế giới, cầu dài nhất thế giới, cây cầu đường sắt cao nhất thế giới và hàng loạt những siêu công trình khác. Tuy nhiên, nhiều dự án xây dựng như vậy đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng còn lợi ích giao thông lại rất đáng nghi ngại.

Điển hình có thể kể đến cầu Chishi ở tỉnh Hồ Nam. Cây cầu có chi phí xây dựng lên đến 300 triệu USD, vượt quá 50% so với ngân sách dự kiến. Dự án này đã bị chậm tiến độ khá lâu, từng xảy ra sự cố xây dựng nghiêm trọng và cũng nổi tiếng bởi những lùm xùm tham nhũng liên quan. Nhưng kể từ khi khai trương vào tháng 10/2016, cây cầu và tuyến đường cao tốc nối liền luôn trong tình trạng “vắng hoe” và đơn vị xây dựng thì chìm trong nợ nần. 

Giáo sư về quản lý Atif Ansar – người đã dành nhiều năm nghiên cứu về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc – nhận định cơ sở hạ tầng là một con dao 2 lưỡi. “Cơ sở hạ tầng tốt cho nền kinh tế nhưng việc xây dựng quá nhiều như vậy lại rất nguy hiểm. Quan điểm cứ xây lên rồi sẽ có người sử dụng là một khẩu hiệu đã được minh chứng không hiệu quả ở Trung Quốc”, ông Ansar nhận định. 

Theo nghiên cứu của vị giáo sư trên, chỉ chưa đầy 1/3 trong số 65 đường cao tốc và đường sắt của Trung Quốc mà ông đã phân tích thực sự có hiệu quả về mặt kinh tế trong khi số còn lại chỉ khiến nợ nần thêm chồng chất thay vì đáp ứng nhu cầu giao thông. Ông Ansar cũng cảnh báo sự yếu kém trong việc quản lý các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể đẩy Trung Quốc vào khủng hoảng tài chính.

Ông Eric Sakowski – người điều hành một trang web thống kê những cây cầu dài nhất thế giới – thậm chí nhận xét tốc độ xây cầu ở Trung Quốc là “điên rồ”. “Trung Quốc đưa vào sử dụng 50 cây cầu cao mỗi năm trong khi tổng cầu trên cả phần còn lại của thế giới mới là 10 cây”, ông Sakowski cho hay. Chỉ trong năm 2016, Trung Quốc đã xây thêm 26.100 cây cầu trên bộ, trong đó có 363 cầu siêu lớn. Ngoài ra, nước này cũng dành khoảng 9% trong ngân sách chi tiêu để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi tỉ lệ này chỉ là 2,5% ở Mỹ và Tây Âu.

Những công trình được xây dựng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng hoạt động xây dựng không ngừng nghỉ như vậy cũng tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Các cuộc điều tra chống tham nhũng trong 6 năm qua đã khiến 27 quan chức giao thông vận tải ở tỉnh Hồ Nam vướng vòng lao lý. Trong đó có 1 quan chức đi tù vì đã cùng 2 đồng nghiệp khác nhận hối lộ 4,4 triệu USD từ các Cty xây dựng. 

Những cây cầu bị đội giá, không được sử dụng cũng đang khiến các doanh nghiệp và chính quyền các địa phương ở Trung Quốc chìm trong nợ nần. Bởi, các doanh nghiệp - thường là do chính quyền địa phương quản lý - vay tiền từ ngân hàng nhà nước để xây dựng cầu và thu phí để lấy tiền trả nợ. Nhưng tại nhiều khu vực, tiền phí thu được quá ít khiến tình hình nợ nần của các doanh nghiệp thêm trầm trọng. Theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2015, hệ thống đường cao tốc nội địa ở nước này đã để lỗ khoảng 47 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2014. 

Tình trạng trên đã bóp méo các ưu tiên của Chính phủ khi người dân có thể phải trả nhiều tiền phí hơn nếu muốn lưu thông qua các cây cầu được dựng lên. 

Đọc thêm