Nghịch lý phim vừa ra rạp đã bị phát tán trên mạng

(PLO) - Mặc dù trước khi bước chân vào rạp chiếu phim, mỗi người đều nhận được thông báo yêu cầu tắt điện thoại di động, cấm quay phim, chụp ảnh nhưng hiện tượng phim vừa ra rạp được dăm ba ngày đã bị phát tán trên mạng nhờ “quay lén” khiến nhà sản xuất cũng như phòng bán vé rơi vào tình trạng khó xử và khó chịu. 
Chất lượng kém về hình ảnh và âm thanh khi bị quay lén của phim “Quả tim máu”.
Chất lượng kém về hình ảnh và âm thanh khi bị quay lén của phim “Quả tim máu”.
Cứ ra rạp là bị quay lén
Nhiều trang web như phimmoi.vn, phim14.vn hay youtube cứ sau mỗi phim từ hạng thường đến “bom tấn” ra rạp được 2, 3 ngày là nhà mạng ấy có ngay phim lên sóng. Tất nhiên những bản có trong thời gian nhanh “tốc độ” như vậy là nhờ thành quả quay lén. Điều này ít nhiều ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của phòng vé cũng như làm mất đi giá trị đích thực của bộ phim. Hình ảnh quay kém chất lượng, tình trạng rung giật kèm theo thuyết minh không rõ ràng.
Mặc dù một số rạp lớn hay như cụm CGV đã gắn camera nhằm phát hiện ra người quay lén phim,  nhưng tình trạng này vẫn liên tiếp diễn ra.  Mới đây nhất bộ phim “Yêu” vừa mới ra rạp được vài ngày thì đã bị quay lén và được một tài khoản tên Văn Phước tung lên Youtube với bản đầy đủ từ đầu đến cuối. Với khoản đầu tư khủng dành cho bộ phim này thì đây là một “điềm xấu” dành cho nhà sản xuất vì khi doanh thu chưa thu về thì đã bị phát tán trên mạng khiến  khán giả có thể không chọn “Yêu” cho lần đến rạp của mình.
Phim "Yêu" bị quay lén.
Phim "Yêu" bị quay lén. 
Trả lời báo chí về vấn đề này, chị Lan Khanh – đồng sản xuất phim “Yêu”  đã tỏ thái độ không hài lòng trước hành động phát tán này, bởi: “Việc này không chỉ gây tổn hại đến doanh thu mà còn giết chết giá trị nghệ thuật của bộ phim”. Ý kiến bức xúc này hoàn toàn có cơ sở bởi một bộ phim được thực hiện với sự đầu tư cả trí tuệ và vật chất với mong muốn được cống hiến cho khán giả, mong khán giả sẽ cảm nhận ý nghĩa thông điệp của bộ phim bằng con đường hoàn hảo nhất thì lại bị phát tán trên mạng bằng việc quay lén điện thoại khiến chất lượng về hình ảnh và âm thanh của phim rơi vào tình trạng “khó mà chấp nhận được”. 
Hiện nay, có khoảng 30 – 40% phim Việt ra rạp bị sao chép và phát tán trái phép. Đây là “nỗi niềm khó tả” đối với các nhà làm phim vì bên cạnh lý do nêu trên thì sẽ có những khán giả sẵn sàng ở nhà xem phim bằng bản quay lén khiến cho doanh thu phòng vé của phim rơi vào tình trạng “thảm họa”, dẫn đến bộ phim bị thua lỗ và đoàn làm phim sẽ sống ra sao?
Có thể bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ
Trước hết, chúng ta kêu gọi ý thức khi ở trong phòng chiếu phim đó là tuân thủ đúng quy định của phòng chiếu.Các nhân viên của rạp nên có những chiến lược, biện pháp rõ ràng để tránh xảy ra những trường hợp như trên. Còn việc quay lén, phát tán phim có mục đích thì sẽ cần sớm tìm ra và xử lý bởi hành động đấy là vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có đủ chế tài để nghiêm trị những hành vi này.
Cụ thể, theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì các chủ thể có hành vi xâm phạm trái phép bản quyền bộ phim có thể chịu phạt tiền đến 250 triệu đồng (cá nhân), đến 500 triệu đồng (tổ chức) đối với các hành vi sao chép tác phẩm/bản ghi âm, ghi hình hay phân phối bằng bất cứ phương tiện nào. Như vậy, chỉ cần tổ chức, cá nhân bị phát hiện thực hiện hành vi quay lén phim trong rạp là đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính bất kể mục đích là gì, có đăng tải trên mạng xã hội hay không. 
Tại Điều 170a Bộ luật Hình sự cũng quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Nếu phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. 
Và cuối cùng, việc nói không với quay lén, phát tán  những tác phẩm điện ảnh trong rạp chiếu khi vẫn đang còn suất chiếu không chỉ bảo vệ cho giá trị đích thực của phim, không ảnh hưởng tới cuộc sống của nhà sản xuất mà đồng thời còn không biến những hành động tưởng chừng như đơn giản ấy trở thành hành vi chà đạp lên thành quả lao động của người khác.