Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em như Công ước về quyền dân sự, chính trị (1966), Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), Công ước về chống các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979), đặc biệt là Công ước quyền trẻ em (1989)...
Đồng thời, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có các quy định trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến chống tra tấn như Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự , Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Bồi thường Nhà nước, Luật Trẻ em... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, các chuẩn mực chung về quyền con người, quyền trẻ em theo pháp luật quốc tế đều được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam và được đảm bảo thi hành trên thực tiễn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đặc thù của Việt Nam.
Bên cạnh việc đảm bảo và tôn trọng quyền con người nói chung, trẻ em cũng là đối tượng được Đảng và Nhà nước quan tâm bảo vệ trước mọi hành vi xâm hại trong đó có hành vi tra tấn. Đối chiếu các quy định của Công ước chống tra tấn với Luật trẻ em 2016 cho thấy các quy định của Luật trẻ em hoàn toàn phù hợp, tương thích với các quy định của Công ước chống tra tấn (Công ước CAT).
Điều 2 Công ước CAT quy định mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình.
Điều 4 Công ước CAT cũng yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của bất kỳ người nào đồng loã hoặc tham gia việc tra tấn.
Đáp ứng yêu cầu này, trong Bộ luật hình sự 2015 đã quy định những tội phạm tương ứng với các hành vi xâm hại trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em 2016 như tội giết người (hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi… (tương ứng với hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em), tội bức cung, tội dùng nhục hình (tương ứng với yêu cầu không tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác)...
Bên cạnh đó, Luật Trẻ em 2016 cũng đã quy định các biện pháp khá cụ thể và toàn diện nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn nói riêng. Cụ thể là các biện pháp về nguồn lực, tài chính, nhân lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể…
Chương II Luật Trẻ em 2016 gồm 25 điều luật từ Điều 12 đến Điều 36 quy định cụ thể, chi tiết về quyền trẻ em. Trong đó Điều 25; 26 và 27 quy định về quyền của trẻ em, qua đó gián tiếp bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Điều 30 quy định về quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính. Điều luật này đã trực tiếp quy định bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn.
Cụ thể là quy định cho trẻ em các quyền: Bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; Được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; Không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.
Có thể thấy thấy, các quy định về bảo vệ quyền trẻ em trong Luật trẻ em 2016 hoàn toàn phù hợp, tương thích, đáp ứng các yêu cầu của Công ước CAT. Luật Trẻ em 2016 đã có các quy định nghiêm cấm các hành vi có tính chất “tra tấn” hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với trẻ em, quy định quyền trẻ em khá cụ thể và toàn diện để đảm bảo bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, quy định một số biện pháp để ngăn chặn các hành vi này. Ngoài ra, Luật còn dành riêng một điều để quy định quyền của trẻ em trong tố tụng và xử lí vi phạm hành chính nhằm chống tra tấn trẻ em.