Gây chú ý bởi việc xác định tội danh để điều tra đối với nghi can này của Công an Thanh Hóa là "Gây rối trật tự công cộng" trong khi hành vi của Thượng úy Công an này có dấu hiệu của tội cướp. Anh ta bịt mặt, cầm súng xông vào ngân hàng, khi bị cản trở đã nổ súng khiến một bảo vệ bị thương rồi lên xe tẩu thoát. Nhiếu người đặt câu hỏi, nếu muốn gây rối trật tự công cộng tại sao anh ta không tìm một chỗ khác mà là ngân hàng. Sự nghiêm minh pháp luật cần được thực thi.
Tương tự, sự kiện pháp lý khác cũng gây tranh cãi là việc khởi tố và bắt tạm giam Phó chánh án quận 4 và Giảng viên Kiểm sát vì cáo buộc "xâm phạm chỗ ở". Trong khi chỗ ở này chưa thuộc sở hữu của người ở, đang có tranh chấp về quyền sở hữu này, các nghi can chỉ đến "đòi nhà" thôi.
Dẫu sao thì hai bị can trong ngành bảo vệ pháp luật này đã hành xử không đúng pháp luật, những dấu hiệu vi phạm rõ ràng, động cơ phạm pháp cũng đã rõ. Có điều, việc xác định mức độ phạm tội và thẩm quyền tố tụng còn là vấn đề gây tranh cãi. Lại một dẫn chứng nữa về sự áp dụng các quy định khi thực thi pháp luật.
Một vụ khác, rất được đông đảo giới luật sư quan tâm là việc Công an Khánh Hòa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố vợ chồng ông Trần Vũ Hải về tội "Trốn thuế". Cơ quan điều tra khẳng định các bị can này trong vai trò giúp sức để một người bán nhà khai giá thấp, do đó đóng thuế thu nhập cá nhân thiếu gần 300 triệu đồng.
Chúng ta thường nói đến sự nghiêm minh pháp luật như một tiêu chí hàng đầu trong thực thi pháp luật. Chỉ khi pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh thì mới có sức thuyết phục và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, tác nhân trực tiếp để cộng đồng tuân thủ và tôn trọng pháp luật - gốc rễ của pháp quyền. Nếu làm khác đi, thiếu sự nghiêm minh, không xuất phát từ động cơ bảo vệ pháp luật thì sẽ làm tổn hại rất lớn đến sự tiếp cận và thực thi công lý.