Theo quy định hiện hành, công an cấp huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và quản lý các cơ sở. Sau đó, Sở VH,TT&DL cấp phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đủ điều kiện.
Điều kiện để cấp phép cơ sở kinh doanh karaoke là phải bảo đảm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và an ninh trật tự. Phòng hát rộng từ 20m2, không kể công trình phụ. Các phòng không được đặt chốt cửa bên trong.
Cơ sở kinh doanh vũ trường cũng phải đáp ứng yêu cầu PCCC, phòng rộng từ 80m2, không đặt chốt cửa bên trong. Vũ trường cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tối thiểu 200m.
Sau vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương) khiến 32 người thiệt mạng hồi tháng 9/2022, Bộ Công an đã kiểm tra tổng thể các cơ sở kinh doanh karaoke và siết kiểm định PCCC, nhất là ở TP lớn.
Tháng 4/2023, đại diện một số hộ kinh doanh karaoke tại 10 tỉnh, thành kiến nghị Thủ tướng hướng dẫn quy chuẩn PCCC để tháo gỡ cho ngành nghề karaoke. Một tháng sau, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công an, Xây dựng, VH,TT&DL xử lý vướng mắc về PCCC cho các hộ kinh doanh karaoke.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ mới đây, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tổng kiểm tra PCCC với chung cư; nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở thuê trọ mật độ cao; nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Các đơn vị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử lý vi phạm "không vùng cấm, không ngoại lệ".
Bộ Công an sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCCC và Cứu nạn, cứu hộ. Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan sửa quy định về PCCC, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm thống nhất, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho người dân, DN.
Quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu PCCC phải minh bạch, không gây phiền hà cho người dân, DN.
Bộ Xây dựng được giao hoàn thành tiêu chuẩn yêu cầu chung về thiết kế nhà ở riêng lẻ trong tháng 12/2023 và thanh tra toàn diện quản lý xây dựng chung cư mini.