Nghiên cứu, xây dựng phần mềm, ứng dụng để nâng cao hiệu quả kiểm tra văn bản

(PLVN) - Ngày 3/2, tại buổi làm việc đầu tiên với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sau khi nhận bàn giao công tác, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã đưa ra yêu cầu trên.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã nghe đại diện lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật báo cáo kết quả công tác năm 2022 và kế hoạch công tác năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ tập trung vào 7 trọng tâm công tác.

Cụ thể, thực hiện hiệu quả việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương, nhất là công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Chủ động, kịp thời trong công tác kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bám sát thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan cấp bộ và địa phương.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật để rà soát, xử lý các quy định pháp luật bất cập, không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Tham mưu, tổ chức triển khai, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện đúng quy định, có chất lượng công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2019-2023 để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới ban hành vào Bộ pháp điển, bảo đảm quy phạm pháp luật được pháp điển kịp thời, đầy đủ, chính xác. Thực hiện có trách nhiệm, chất lượng cao nhiệm vụ tham gia thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và rà soát dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 2200/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (5/8/2003 – 5/8/2023).

Cục cũng cho biết một số khó khăn, hạn chế trong công tác của đơn vị như khối lượng công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục ngày càng nhiều, đặc biệt là nhiệm vụ chủ trì tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và chỉ đạo, đề nghị liên quan của cơ quan có thẩm quyền. Việc kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đôi khi chưa được kịp thời, chưa theo sát được tiến độ ban hành văn bản tại các bộ, ngành, địa phương.

Việc xử lý văn bản có quy định trái pháp luật đã được kết luận tại một số cơ quan cấp bộ và địa phương vẫn còn một số trường hợp chậm trễ, chưa kịp thời theo đúng quy định. Một số tính năng của Bộ pháp điển điện tử chưa thật sự thuận lợi, tiện ích trong việc khai thác, sử dụng.

Đại diện các đơn vị liên quan đã tích cực trao đổi, thảo luận những khó khăn, thách thức của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2023 và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, đồng thời nhấn mạnh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác hệ thống hóa, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan bảo đảm quy phạm pháp luật được pháp điển kịp thời, đầy đủ, chính xác; nghiên cứu, xây dựng phần mềm, ứng dụng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra văn bản. Không những thế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng hiệu quả.

Đọc thêm