Ngoại giao kinh tế: Phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế trong nước

(PLVN) -   Chiều 20/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025. (Ảnh: TTXVN).

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024 công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Hungary, Rumani, Dominicana…; thăm, làm việc tại Trung Quốc, Nga...

Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.

Cùng với đó đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông - châu Phi, Trung Đông Âu, chúng ta đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng. Phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển. Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, năm 2024 chuẩn bị qua đi, chúng ta dự kiến hoàn thành 15/15 chỉ tiêu đặt ra cho cả năm nay, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng (dự kiến trên 7%), từ đó kéo theo một loạt các chỉ tiêu khác như thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động… tăng lên, uy tín đất nước tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với những gì đạt được vì dư địa phát triển vẫn còn và có thể còn làm tốt hơn nữa. Các Bộ, ngành trong nước đã rất cố gắng, nỗ lực, nhưng đồng thời Thủ tướng cũng mong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ, cung cấp thông tin, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế trong nước.

Thủ tướng nêu rõ, một trong những thành tựu chung của Việt Nam năm nay có hai điểm liên quan đối ngoại là thu hút FDI và xuất nhập khẩu. Do đó, Thủ tướng đề nghị năm 2025 chúng ta cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời, trên cơ sở đó có hiệu quả tốt hơn, linh hoạt hơn. Kinh nghiệm cho thấy nếu đánh giá đúng tình hình, phản ứng chính sách kịp thời thì sẽ đem lại hiệu quả cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, những năm gần đây, qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Chính phủ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, ví dụ như điều hành về cung ứng điện, cũng vẫn tổng nguồn không tăng, nhưng nhờ cách điều hành nên vẫn bảo đảm cung ứng đủ điện cho năm 2024 dù nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên so năm trước. Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phải đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tăng tốc, bứt phá hơn nữa, một số địa phương như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng lên tới 10%. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng theo.

Thủ tướng phân tích như vậy để thấy được quyết tâm của cả nước để tạo đà, tạo lực và khí thế để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng với quyết tâm đạt tăng trưởng hai con số. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý phải tìm mọi giải pháp để thực hiện. Nếu chỉ tăng trưởng ở mức bình bình 6 - 7%/năm thì không đạt mục tiêu đề ra, dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta phải xác định, lấy nguồn lực bên trong là nguồn lực cơ bản chiến lược lâu dài, nhưng nguồn lực bên ngoài vẫn là quan trọng, đột phá; phải tăng cường chuyển giao công nghệ; phải đột phá về thể chế kinh tế thị trường; và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo và phải quản trị thông minh.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh 3 đột phá: Đột phá thứ nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế, chính sách, giảm chi phí tuân thủ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; Thứ hai là về hạ tầng nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistic, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực để tăng cạnh tranh, tăng năng suất lao động…

Đọc thêm