“Chúng tôi, các ngoại trưởng G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu, kịch liệt lên án vụ đầu độc ông Alexei Navalny”, tuyên bố cho biết.
Tuyên bố này đưa ra sau khi chính quyền Đức đưa ta thông tin ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh nhóm Novichok - một chất do Nga phát triển. Phía Nga cho biết họ không thấy bằng chứng chứng minh Navalny bị đầu độc.
Tuyên bố trên đồng thời nêu rõ, mọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học, ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, bởi bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều không thể chấp nhận được và trái với các quy định quốc tế về cấm sử dụng các loại vũ khí đó.
Các ngoại trưởng G7 cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi cách Nga xử lý vụ việc này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ của bà đã kết luận rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc nhóm Novichok. Hôm 7/9, bệnh viện Charite ở Berlin thông báo rằng nhà chính trị đối lập Nga Alexei Navalny đã thoát khỏi tình trạng hôn mê và có phản ứng với lời nói. Bệnh viện Charite đã điều trị cho Alexei Navalny kể từ khi ông được đưa đến Đức.
Moscow tuyên bố họ chưa thấy bằng chứng nào về việc ông bị đầu độc.
Quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga điều tra vụ Alexei Navalny
Quan chức nhân quyền hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) hôm 8/9 đã kêu gọi Nga tiến hành hoặc hợp tác với họ trong cuộc điều tra độc lập về thông tin của Đức cho rằng chính trị gia đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm "Novichok".
Reuters đưa tin, theo bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, cần có một cuộc điều tra toàn diện, độc lập, công bằng và minh bạch về vụ đầu độc chính trị gia đối lập người Nga Alexei Navalny. "Các nhà chức trách Nga có trách nhiệm điều tra đầy đủ ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tội ác này", bà nói.