Theo New York Times, trong bài phát biểu đầu tiên công bố những quan điểm của ông trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson cho rằng Mỹ thời gian qua đã quá dễ dãi với các nước đang phát triển và các đồng minh lâu năm ông cho rằng “mọi thứ đã vượt khỏi trạng thái cân bằng”. Theo ông, cân đối lại những mất cân bằng đó sẽ là nhiệm vụ của Bộ ngoại giao Mỹ nhằm thực hiện cam kết “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.
Trong bài phát biểu được đưa ra 3 tháng sau khi nhậm chức, ông Tillerson cũng đã đề xuất cắt giảm 1/4 ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ. Tuy nhiên, ông không đề cập nhiều đến đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu và giảm 2.300 công việc, tương đương 3% trong tổng số 75.000 nhân viên của bộ này, được một số trợ lý của ông tiết lộ trước đó.
AFP đưa tin, phát biểu trước các nhân viên trên toàn thế giới về công việc trước mắt của họ, ông Tillerson đã nêu một loạt những thách thức cụ thể mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Trong đó, ông cho rằng nỗ lực của Triều Tiên để phát triển kho tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới các thành phố của Mỹ là thách thức lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói với các nhà ngoại giao cấp dưới rằng ông đã cố vấn cho ông Trump “thử” cam kết kiềm chế Triều Tiên của Trung Quốc bằng cách gây áp lực với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo, nếu Trung Quốc không thực thi các lệnh trừng phạt hiện có của LHQ, Washington có thể sẽ có biện pháp trừng phạt các ngân hàng hay các công ty của Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.
Về quan hệ Mỹ - Trung, ông Tillerson nói rằng vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên có thể là vấn đề áp lực nhất. 2 nước cũng vẫn có những khác biệt về tự do hàng hải ở Biển Đông và cân bằng thương mại xuyên Thái Bình Dương nhưng ông hy vọng 2 bên vẫn sẽ sẵn sàng thiết lập lại nền tảng cho quan hệ giữa 2 nước trong 50 năm tới.
Theo ông Tillerson, vào tháng 6 tới, ông và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis sẽ dẫn đầu các cuộc đối thoại với các quan chức cấp cao của Trung Quốc về các vấn đề ngoại giao và an ninh và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sau đó sẽ giám sát các cuộc thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại diễn ra sau đó.
Ngược lại, ông Tillerson lại có vẻ kém lạc quan hơn trong vấn đề với Nga. Phát biểu chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin về vấn đề Syria nhưng ông vẫn cho rằng quan hệ giữa 2 nước đã chạm tới mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Vì thế, ông sẽ nỗ lực để bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt để xây dựng lòng tin giữa 2 nước. Tuần tới, ông Tillerson sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Alaska.
Ngoài ra, ông cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ nỗ lực để thực hiện cam kết loại bỏ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan của ông Trump. Mỹ cũng sẽ vẫn tích cực thực hiện công việc để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế ở châu Phi, phá các mạng lưới khủng bố ở khu vực này, đồng thời dành nguồn lực để chống buôn bán người và hỗ trợ tài chính cho các phần tử cực đoan của Mỹ Latin. Danh sách các ưu tiên của ông không đề cập tới châu Âu ngoài việc lặp lại kêu gọi các nước NATO đóng góp nhiều hơn cho phòng thủ tập thể được ông Trump đưa ra trước đó.