Ngôi đình 250 năm nguy cơ thành “phế tích”

Ngôi đình hơn 250 năm tuổi tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) là Di tích lịch sử Quốc gia, vốn được xem như biểu tượng, niềm tự hào của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam. Thế nhưng sau bao năm tháng, ngôi đình xuống cấp trầm trọng và cần có biện pháp tu bổ gấp, nếu không sẽ trở thành “phế tích”...

Ngôi đình hơn 250 năm tuổi tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) là Di tích lịch sử Quốc gia, vốn được xem như biểu tượng, niềm tự hào của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam. Thế nhưng sau bao năm tháng, ngôi đình xuống cấp trầm trọng và cần có biện pháp tu bổ gấp, nếu không sẽ trở thành “phế tích”...

Toàn cảnh ngôi đình 250 năm đang xuống cấp nghiêm trọng.

Di sản xuống cấp

Đình Hoành Sơn (thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) là một công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ vào loại bậc nhất của miền Trung. Ngôi đình là nơi để người dân trong làng làm lễ cúng các vị thần hoàng làng cũng như những ngày lễ trong năm đều trở thành nơi hoạt động văn hóa tâm linh của người dân trong vùng.

Theo nhiều tài liệu, đình được dựng từ năm 1764, thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Ông là người văn võ song toàn, tư chất hơn người, nên tháng 11 năm 1041 Vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm tri châu Nghệ An. Ngoài ra, đây còn thờ “Tứ vị Thánh nương” và Phật Thích ca Mâu Ni. Ngôi đình được xem như là thần hộ mệnh và là niềm tự hào của người dân Khánh Sơn.

Vậy nhưng, hiện“nhiều cột đền đã bị mối mọt làm mục và có nguy cơ đổ sập, nhiều đêm nằm nghe tiếng mọt cắn gỗ cót két mà xót hết lòng. Nếu không tu bổ sớm người dân không giám vào cúng viếng, khách tham quan cũng sợ không giám đến, các em học sinh, sinh viên không còn nơi để tham quan học tập…”, ông Nguyễn Thiện Tư (77 tuổi) có đến 22 năm canh giữ đình chia sẻ.

Đình được làm chủ yếu là gạch ngói và gỗ lim, một trong những ngôi đình to lớn và có kiến trúc độc nhất vô nhị ở miền Trung. Theo lời kể và sử sách có ghi lại, trong đình có hơn 100 pho tượng nhưng vào trận lũ lịch sử năm 1978 và 1988, con đê chắn trước đình bị vỡ và nước đã cuốn trôi gần hết số tượng đó, cho đến nay trong đình chỉ lưu giữ được 10 pho tượng.

Đình Hoành Sơn được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia vào tháng 7/1984, vốn được xem như biểu tượng, niềm tự hào của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua những biến đổi của lịch sử, hiện một số chi tiết đã bị mất mát, hư hỏng, một số được làm lại; nhiều bộ phận kiến trúc đang có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di tích, mái bị sạt lở khá nhiều, bức tường phía Tây đã bị đổ… mỗi lần mưa xuống cả hệ thống cột dầm trong nước; nhiều cột lớn đã bị mối mọt tấn công rất có nguy cơ đổ sập.

Nhiều phần gỗ bị mối mọt tấn công rơi rụng xuống nền nhà

Chính quyền lúng túng

Theo ông Nguyễn Trọng Tranh-  Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn:“Chúng tôi vẫn biết là ngôi đền đang xuống cấp và bị mối mọt tấn công, cũng đã nhiều lần gửi kiến nghị lên cấp trên về vấn đề đình Hoành Sơn đang xuống cấp và đề xuất việc nâng cấp tu sửa ngôi đền nhưng vẫn chưa có quyết định tu sửa. Chúng tôi cũng mong muốn được sớm tu bổ ngôi đình để người dân có nơi thờ cúng, dâng hương, dâng hoa báo công… trong các ngày lễ tết và ngày lễ dân tộc…”.

Còn theo ông Phan Văn Hùng - Phó Ban Quản lý di tích - Danh thắng tỉnh Nghệ An thì ngày 26/7/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 2574/QD.UBND/VX về việc lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoành Sơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được thực hiện vì nguyên nhân chính cũng là vẫn chưa có nguồn kinh phí.

Người dân, chính quyền địa phương, du khách… cứ xót xa nhìn ngôi đình đang từng ngày từng ngày bị mối mọt ăn, đang xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sập bất cứ khi nào. Dự án đã được lập nhưng chưa được thực hiện, dù ngôi đình đang hàng ngày “rên rỉ” cho “tính mạng”.

Ngô Toàn

Đọc thêm