Tiếng lộc cộc trong đêm
Quy Nhơn là trung tâm của tỉnh Bình Định. Ở đây phong cảnh núi non cùng biển cả hòa quyện tạo nên cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng. Nếu ban ngày, phố biển Quy Nhơn được ví với vẻ tinh khôi, đằm thắm của một thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng bên bờ biển xanh, thì đêm đến nàng khoác lên mình bộ xiêm y lung linh.
Thành phố về đêm là bản tổng phổ màu sắc quyến rũ. Lọt thỏm giữa nhịp sống mới hiện đại, với nhiều loại hình vui chơi, giải trí hấp dẫn là cái cổ xưa bình yên, thư thả. Đi dọc đường Xuân Diệu nằm sát bờ biển, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy xuất hiện dịch vụ đi xe ngựa ngắm cảnh thành phố về đêm, thu hút đông đảo khách du lịch và người dân tham gia.
Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh Nhung, một trong hai chủ làm dịch vụ đi xe ngựa tại đây, dịch vụ này được triển khai từ ngày 28/4/2015 theo Đề án thí điểm khai thác phương tiện xe ngựa phục vụ khách tham quan du lịch do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP.Quy Nhơn thực hiện.
Chị Nhung phấn khởi: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, lượng khách đi xe ngựa lúc nào cũng đông, nhất là vào những tối cuối tuần. Thậm chí nhiều lúc khách phải ngồi chờ, khi xe ngựa vừa về đến bến là leo lên giành chỗ.
Tour hiện nay là 3 tuyến đường lớn: Xuân Diệu - con đường thơ mộng trải dài theo bãi biển Quy Nhơn; Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương, đường trung tâm được mệnh danh là đẹp nhất Quy Nhơn”.
Gần 1 năm nay, gia đình anh Lê Văn Thức đầu tư tiền mua 3 xe ngựa để kinh doanh dịch vụ tham quan, du lịch, phục vụ du khách tại đây. Thời gian hoạt động khoảng từ 18h - 21h30 hàng ngày.
“Những chiếc xe ngựa này được tôi mua từ TP.Đà Lạt. Sau đó, tôi trang trí với nhiều màu sắc và ánh đèn lung linh chở du khách dạo quanh thành phố. Tùy theo yêu cầu, du khách ngắm biển Quy Nhơn trên xe ngựa chạy dọc đường Xuân Diệu hoặc đi trên con đường trung tâm thành phố ngắm những nhà hàng, khách sạn lộng lẫy khi lên đèn”, anh Thức vui vẻ cho biết.
Bến xe ngựa du lịch hiện nay là một khoảng đất trống mặt tiền đường Xuân Diệu. Tầm 18h, những cỗ xe ngựa được mô phỏng, trang hoàng bắt mắt theo phong cách cổ điển châu Âu thu hút không ít sự chú ý của khách đi đường. Có những gia đình chở nhau đi ngang qua thấy lạ, ghé vào đi thử.
Chị Nguyễn Thúy Hồng (30 tuổi, nhà ở phường Ngô Mây, TP.Quy Nhơn), cho biết: “Gia đình tôi hay đi du lịch nên mỗi lần có dịp đến Đà Lạt hay Nha Trang tôi đều thuê xe ngựa để đi tham quan vừa lạ vừa thú vị. Mấy đứa nhỏ nhà tôi thích lắm.
Giờ Quy Nhơn mình cũng có nên cứ rảnh là tôi và gia đình ra đây để đi xe ngựa dạo mát, ngắm thành phố về đêm. Ngoài ra, so với đi xe xích lô tự lái thì tôi thấy đi xe ngựa an toàn hơn, giá cả cũng vừa phải”.
Theo chị Nhung, giá cho mỗi lượt đi trên xe ngựa là 20.000 đồng/người/lượt. Mỗi chuyến đủ 8 người trở lên thì khởi hành. Trung bình mỗi đêm 1 xe ngựa chạy 6 đến 7 vòng; 5 xe mỗi đêm có thể phục vụ hơn 300 lượt khách.
“Ngoài ra, chúng tôi còn có dịch vụ cho thuê xe đi theo các tuyến riêng trong nội thành thành phố hay cho thuê xe để chụp ảnh cưới, rước dâu theo nhu cầu của khách. Giá cả tùy vào quãng đường gần hay xa, thường từ 200 đến 500 ngàn đồng/chuyến”, chị Nhung cho biết.
Có mặt tại đường Xuân Diệu, anh Phan Hòa Thịnh (32 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn) cho biết: “Tôi và vợ yêu nhau được 4 năm, đến cuối năm 2015 chúng tôi quyết định cưới nhau. Nhân ngày vui trọng đại, tôi muốn dành đến cho vợ điều đặc biệt và lạ mắt nhất.
Mặc dù phải đi công tác xa, nhưng đám cưới được định ngày trước 1 tháng, nên tôi có khá nhiều thời gian để chuẩn bị cho màn rước dâu bằng xe ngựa thuê ở đây. Hôm rước dâu, vợ tôi rất hạnh phúc. Có rất nhiều bạn bè đã quay clip, chụp lại khoảnh khắc đó. Đó là những giây phút trong đời mà tôi không thể nào quên được”
Du khách ngắm phố biển Quy Nhơn bằng dịch vụ xe ngựa. |
Quá vãng vàng son
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây gần 20 năm, trên các nẻo đường ở Bình Định, vẫn thấy hình ảnh những chiếc xe ngựa hòa nhịp cùng tiếng lục lạc, những con ô, con tía… nhẩn nha gặm vệt cỏ ven đường. Thế nhưng càng ngày, hình ảnh ấy càng thưa vắng.
Ông Nguyễn Năm Bình (73 tuổi, ngụ khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) là một trong những người có thâm niên bậc nhất trong nghề cầm cương. Ông Bình lái xe ngựa từ năm 18 tuổi, chính thức “nghỉ hưu” từ năm 1999.
Ban đầu, ông theo người đi đua ngựa khắp huyện Phù Mỹ, huyện Tây Sơn… Qua đó, ông học được cách chăm sóc ngựa. Tiếp đến ông nhận chạy xe ngựa cho Hợp tác xã 30 tháng 3 ở địa phương.
Ông Bình cho biết: “Cách đây gần 20 năm nhà tôi có tới 5 cỗ xe ngựa cho 5 người con trai. Dạo ấy, còn những con đường đất đầy ổ trâu ổ gà, xe ngựa là phương tiện cơ động nhất. Ngày nào cha con tôi cũng tất bật, phải dậy từ lúc tờ mờ sáng đi chở hàng, đến tối mịt mới về nhà vậy mà còn bị khách hàng la ó, nài nỉ vì không đáp ứng đủ nhu cầu”.
Theo ông Bình, hai địa điểm tập trung xe ngựa nhiều nhất ở An Nhơn là ngã ba Bến Xe Ngựa (nay thuộc khu vực Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng) và ngã tư phường Bình Định, mỗi bến tập trung hơn 50 xe.
Vào thời Pháp thuộc, tuyến đường xe ngựa nổi tiếng nhất là ngã ba Bằng Châu đi Bồng Sơn. Tại bến ấy, lúc nào cũng sầm uất, tấp nập ngựa xe, người đi buôn và hàng hóa. Thời chống Mỹ và sau giải phóng, có 4 tuyến đường chính cũng nhộn nhịp không kém.
“Hồi ấy, hàng hóa nhiều lắm, cứ một ngày xe lam, một ngày xe ngựa thay phiên nhau chuyên chở, chẳng anh nào lấn anh nào. Những năm đầu sau giải phóng, xe ngựa rất có giá. Người ta vẫn ví von một chiếc Toyota không đổi được một con ngựa. Khi đường sá chưa được bê tông hóa, cầu cũng chưa được làm kiên cố thì sõng (thuyền nan) và xe ngựa là hai phương tiện thuận lợi nhất. Nhất sõng nhì ngựa mà lại”, ông Bình nháy mắt hóm hỉnh.
Trên những con đường đó, những bánh gỗ lắc lư chồn chân ngựa kéo, chở chật cứng người và đủ các loại hàng đi về các nẻo trong những ngày chợ quê họp. Bây giờ, những người như ông Bình, đôi khi vẫn giật mình thức giấc vì một tiếng ngựa hí dài, vẳng xa tiếng nhạc ngựa lốc cốc, lòng nôn nao hoài niệm về những ngày thơ ấu đu xe ngựa, chạy bộ theo xe ngựa, mệt nhưng lòng ngập tràn niềm vui.
“Xe ngựa ngày nay trở thành dấu xưa hoài cổ, hiếm hoi những người còn giữ nghề xe ngựa. Xe ngựa không còn là nguồn sống, họ giữ nghề trước hết là vì niềm đam mê với ngựa, sau là vì những bạn hàng còn yêu những cuốc xe ngựa đường quê. Nói thật, bây giờ xe ngựa làm sao có thể cạnh tranh với các phương tiện cơ giới”, ông Bình tâm sự.
Theo ông Bình, ngựa là giống khôn. Có lần ông gặp bạn cũ, nhậu “quắc cần câu”, lúc nửa đêm, con ngựa vẫn dò dẫm đưa ông vượt qua những nhịp cầu bị đốt dang dở về đến nhà trước sự “tá hỏa” của vợ con. Khi con ngựa già yếu, thay vì bán xẻ thịt như người ta thường làm, ông lại nuôi nó cho đến khi nó chết và chôn cất tử tế con vật nghĩa tình ấy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 15 năm trở lại đây, thu nhập từ xe ngựa không đủ sống, nên nhiều người đã chuyển nghề. Hiện giờ trên toàn tỉnh Bình Định, số lượng xe ngựa có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở thị xã An Nhơn còn 5 xe, ở huyện Phù Cát còn 2 xe, ở huyện Tuy Phước còn 1 xe… Riêng ở TP.Quy Nhơn, nhờ Đề án thí điểm khai thác phương tiện xe ngựa phục vụ khách tham quan du lịch nên hiện có 8 chiếc xe ngựa.