“Ngư dân bán tàu chưa hẳn là tín hiệu xấu”


Bên lề hội thảo Kế hoạch 5 năm phát triển Thuỷ sản, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Chu Tiến Vĩnh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản về chặng đường sắp tới của ngành.


Bên lề hội thảo Kế hoạch 5 năm phát triển Thuỷ sản, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Chu Tiến Vĩnh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản về chặng đường sắp tới của ngành.

Có thể mô tả như thế nào khi nhìn lại nhìn lại “chặng đường bơi” vừa qua của ngành thuỷ sản, thưa ông?

Tính đến tháng 12 năm 2010, tổng lao động ngành khai thác thuỷ sản của cả nước là trên 547 nghìn người. Số lượng tàu thuyền khai thác thuỷ hải sản cả nước có khoảng gần 130 nghìn chiếc. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2010 đạt  hơn 1 triệu ha. Sản lượng năm 2010 đạt 2.828 nghìn tấn. Đối tượng nuôi chính trong giai đoạn vừa qua là tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, tôm hùm, tôm càng xanh, nghêu, sò huyết, ốc hương, cua biển, rong biển và nhóm cá nước ngọt truyền thống. Trong đó, cá tra và tôm sú chiếm 60%-65% tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng hàng năm của cả nước. Đơn cử, cá tra, từ năm 1998-2008 diện tích nuôi cá tra tăng lên khoảng 6,5 lần, sản lượng tăng gấp 47 lần, giá trị xuất khẩu tăng 74,11 lần từ 19,7 triệu USD lên 1.460 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 4,94 tỷ USD. Chiến lược trong thời gian tới, nâng cao chất lượng thuỷ sản và an toàn thực phẩm để làm sao nâng cao đời sống của bà con ngư dân.

 

Hiện nay cá tra Việt Nam đã có mặt ở 145 nước, Tổng cục Thủy sản đã có kế hoạch gì  để thị trường quốc tế ưa chuộng nhiều hơn nữa các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam?

Vấn đề chất lượng thuỷ sản và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng số 1. Thời gian qua, ở một số nơi, việc nuôi trồng thuỷ sản chưa đạt an toàn thực phẩm, nguyên do, việc kết hợp với địa phương chưa tốt, lực lượng bác sỹ thú y thuỷ sản quá mỏng, chúng ta chưa chú trọng nghiên cứu sâu về dịch bệnh của thuỷ hải sản nên khi  bị bệnh, tìm bệnh đã khó, tìm thuốc chữa còn khó hơn. Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai Dự án xây dựng Hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó đầu tư vào thú y thuỷ sản, như con người, máy móc trang thiết bị, phát hiện sớm dịch bệnh… Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị thành lập Cục kiểm ngư, ở các tỉnh thì có Chi cục Kiểm ngư, hy vọng vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện rõ nét.

Đồng thời, về an toàn thực phẩm, việc bảo quản cá lạnh phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian vừa qua, giá dầu tăng, chi phí đều tăng, nên người dân đi biển đánh bắt dài ngày hơn,  có một số hộ dân, do ý thức hạn chế đã sử dụng một số chất bảo quản cá, ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ. Do đó, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền giáo dục, thanh tra kiểm tra, xử lý, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị rút giấy phép. Song cái gốc của vấn đề là nhanh chóng thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ ngư dân được vay vốn ưu đãi làm hầm lạnh chứa cá. 

Thời gian vừa qua, nhiều ngư dân lỗ vốn đã buộc phải bán tàu, ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?

Trước năm 2008, chúng ta chỉ có 97 nghìn chiếc tàu đánh bắt cá, nhưng sau khi có chính sách hỗ trợ dầu lập tức số tàu tăng hơn 3 nghìn chiếc nữa, thành trên 100 nghìn tàu. Nhưng thực tế thời gian qua, có một số ngư dân vì lý do đóng tàu nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp không đủ bù chi phí nên không trụ nổi, đã bán tàu chuyển sang nghề khác có lãi hơn. Điều đó không có gì là tín hiệu xấu cả. Ngư dân chuyển nghề đánh bắt sang nghề câu, rê hoặc nuôi trồng thủy sản. Chỉ sợ nhất họ không làm mà giữ tàu.

Chính vì thế, trong chiến lược thuỷ sản thời gian tới chúng tôi có nhiều biện pháp “dài hơi”, như cho vay vốn để ngư dân đóng tàu với công suất lớn, hỗ trợ đào tạo nhân lực -  cho ngư dân học nghề phù hợp, xây dựng các cơ sở nghề cá…

Theo kế hoạch 2011-2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.100 ha; tổng sản lượng thuỷ sản là 5.700 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 6.500 triệu USD. Theo dự kiến, tổng nhu cầu vốn cho 27 đề án đầu tư cho lĩnh vực thuỷ sản giai đoạn này là hơn 29 nghìn tỷ đồng.

Xin cảm ơn ông!

Mai Hoa (thực hiện)

Đọc thêm