Đón “lộc biển” đầu năm
Những ngày này, chúng tôi về với bà con vùng biển xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Nắng ấm, biển vàng hòa vào không khí rộn ràng, tất bật của ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi và những con tàu nối tiếp cập bờ mang theo “lộc biển” đầu năm mới, cảm nhận được rõ tâm thế vui tươi, phấn khởi kỳ vọng một mùa đánh bắt bội thu, gió yên bể lặng.
Ngư dân Mai Văn Tình ở thôn Cừa Thôn (Hải Ninh) kể như khoe: “Thời tiết quá đẹp nên gia đình tôi đã đẩy thuyền từ ngày mùng 1 Tết “mở biển lấy may” và đánh được gần 30kg cá khoai. Trừ hết chi phí thu về hơn 5 triệu đồng gọi là “lộc biển”. Đến giờ, ngư dân Tình đã đi được 7 chuyến biển, đều cho thu nhập khá.
Cũng ở Cừa Thôn, anh Mai Văn Ngư dù đến mùng 9 mới ra khơi và thu về đầy ắp cá khoai. Theo anh Ngư, ngay ngày đầu đã lãi 10 triệu, chuyến thứ 2 thu gấp rưỡi. “Những chuyến sau này ít hơn chút, nhưng vẫn lãi. Đầu mùa mà được vậy, phấn khởi cả nhà”.
|
Nụ cười của ngư dân xã Hải Ninh được mùa cá khoai với những chuyến đi lộng. |
“Theo lệ thường, đẹp trời là nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ đã mở biển ngay mùng 1 Tết Quý Mão để lấy ngày. Thời gian này, rất nhiều tàu trúng luồng cá khoai. Cá khoai vùng biển Hải Ninh ngon nổi tiếng nên cho thu nhập cao với giá thương lái thu mua từ 120 - 160 nghìn/kg, cao điểm lên 190 nghìn. Tàu thuyền bà con thường xuất phát từ 2 - 3h sáng, đánh bắt nửa ngày thì cập bờ, thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/thuyền viên. Xã có khoảng 800 tàu thuyền, chủ yếu đánh bắt gần bờ. “Lộc biển” đầu năm khiến tinh thần bà con phấn chấn lắm” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ninh Nguyễn Văn Hàng vui mừng nói.
Không chỉ ở Hải Ninh và ngư dân đi lộng (đánh bắt gần bờ), mà sau thời gian đón Tết dài ngày, nhiều tàu thuyền đi khơi (xa bờ) của các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn đến nay cũng đã bắt đầu ra khơi vào mùa mở biển mới.
|
Cá khoai Hải Ninh nói riêng và Quảng Bình nói chung nổi tiếng bởi độ thơm ngon, cho ngư dân thu nhập cao. |
Ở xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch), nhiều tàu thuyền cũng xuất hành sớm và thu về “lộc biển”. Anh Lê Văn Phước, thôn Đức Trung (Đức Trạch) cho hay, sau mùng 2 Tết, nhiều ngư dân đã cho thuyền xuống biển với ước vọng 1 năm thuận buồm xuôi gió, đánh bắt thắng lợi. Đa phần bà con đều trúng đậm hải sản, nhất là cá khoai…
Vươn khơi bám biển, giữ chủ quyền
Quảng Bình hiện có trên 6.700 phương tiện khai thác hải sản. Trong số đó, hơn 1.200 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2022, sản lượng khai thác thủy, hải sản ước đạt trên 80.000 tấn.
Ngay trong những ngày đầu năm mới, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, bộ đội biên phòng cùng các đơn vị liên quan đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và động viên ngư dân các huyện, thị trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn để vững vàng vươn khơi bám biển. Năm 2023, tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu phấn đấu khai thác thủy sản đạt sản lượng 82.000 tấn. Trong đó khai thác biển đạt 79.000 tấn, khai thác nội địa 3.000 tấn.
Các xã: Đức Trạch, Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), Bảo Ninh (TP Đồng Hới), Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn)… là những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất Quảng Bình với hàng chục cho đến hàng trăm chiếc công suất lớn. Những năm qua, ngư dân luôn nỗ lực vượt khó khăn, phát triển nghề biển vững mạnh. Các tổ hợp tác trên biển luôn đoàn kết gắn bó, hỗ trợ nhau vươn khơi đánh bắt và góp thêm phần sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
|
Ngư dân Quảng Bình đang buông lưới đánh bắt hải sản trên biển. |
Bà Hồ Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết, năm 2023 xã quyết tâm phấn đấu sản lượng đánh bắt đạt 9.500 tấn. Để đạt mục tiêu, chính quyền xã tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ của các cấp nhằm khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi, ưu tiên cải hoán tàu thuyền, tăng cường đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác.
Sang xã biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới), ngư dân Nguyễn Ngọc Hoàn - Tổ trưởng Tổ đoàn kết trên biển thôn Hà Thôn cùng các thành viên trong tổ đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm và kiểm tra máy móc cho tàu thuyền chuẩn bị ra khơi.
Tổ đoàn kết trên biển thôn Hà Thôn hiện có 15 tàu cá công suất lớn, đã chuẩn bị sẵn sàng. Đối với họ, chuyến mở biển mùa mới đầu năm rất quan trọng, sẽ mang lại thuận lợi, suôn sẻ và sự hứng khởi cho cả năm. Hải trình đã thống nhất của họ trong chuyến khai thác đầu năm này là sẽ tập trung đánh bắt tại khu vực vùng biển Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa. Tính chung, toàn xã Bảo Ninh hiện có 427 tàu cá với 193 tàu đánh bắt xa bờ.
Để động viên, tiếp thêm tinh thần, sức mạnh cho ngư dân, các đơn vị tuyến biển của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vừa qua đã trao tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho các tàu cá. Lực lượng này đang làm tốt công tác kiểm tra - kiểm soát, kết hợp vận động ngư dân ký cam kết chấp hành nghiêm quy định khi khai thác trên biển. Thông qua các hoạt động giám sát hành trình, thông tin liên lạc vô tuyến điện để nắm bắt thông tin kịp thời để hỗ trợ, sát cánh cùng ngư dân an toàn bám biển vươn khơi và bảo vệ vững chắc chủ quyền hợp pháp trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình khẳng định: “Chi cục liên tục hướng dẫn, chỉ đạo ngư dân duy trì khai thác vùng biển xa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao giá trị hải sản. Chúng tôi luôn tuyên truyền, khuyến khích bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong các tổ, đội khai thác trên biển, vừa khai thác vừa kết hợp với hậu cần nghề cá để kịp thời tiêu thụ sản phẩm”.
Độc đáo Lễ hội Cầu ngư ở làng biển 400 năm
Vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch diễn ra Lễ hội Cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt hải sản. Đây là lễ hội truyền thống đầy đủ phần lễ và phần hội, có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và mang đậm nét văn hóa đặc sắc riêng biệt Cảnh Dương so với các làng biển khác trong cả nước.
|
Độc đáo Lễ hội Cầu ngư ở làng biển Cảnh Dương tuổi đời 400 năm. |
Trong Ngư Linh Miếu thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân địa phương thường gọi là cá Ông và cá Bà được bài trí trang nghiêm. Các bậc cao niên của làng dâng lễ vật, đọc văn tế và dâng hương cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, ngư dân đánh bắt an toàn. Lễ hội này có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng…