Chuỗi 4 video nằm trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông sáng tạo Vật chủ. Bên cạnh việc ra mắt các video tuyên truyền, CHANGE cũng phát động giải thưởng báo chí VIEWS Awards (tạm dịch: Thông tin Việt Nam về Môi trường - Động vật hoang dã - Phát triển bền vững) nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, báo chí, hỗ trợ thực thi pháp luật tại 10 tỉnh thành là các “điểm nóng" về ĐVHD trên cả nước.
“Tôi không hy vọng một ngày nào đó Việt Nam sẽ bị gọi tên là quốc gia gây ra một đại dịch toàn cầu. Tôi càng không muốn người dân sẽ bị nêu tên với những ký tự viết tắt BN (bệnh nhân) số n. Việt Nam đã và đang là quốc gia thành công trong việc ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, chúng ta hãy tiếp tục tự hào là một trong các nước đi đầu trong cuộc chiến phòng ngừa một đại dịch trong tương lai. Hãy tiếp tục dùng tinh thần đó để chấm dứt triệt để ngay văn hóa ăn thịt rừng đáng loại trừ này” - bà Nguyễn Thanh Ngọc Hân, Quản lý Chương trình ĐVHD của CHANGE chia sẻ.
Tại Việt Nam, hiện, chỉ còn khoảng trên dưới 400 loài ĐVHD bị đe dọa và cần được bảo vệ. Trong đó, chỉ còn khoảng 30 con hổ, 100 con voi, còn lại gấu, tê giác và các động vật quý hiếm khác.
Những con số thống kê của các cơ quan chức năng năm hơn thập kỳ trở lại đây khiến chúng ta phải giật mình. Nhu cầu hằng năm về động thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh và xuất khẩu dao động trong khoảng từ 3.700 – 4.500 tấn, chưa kể đến hàng chục vạn cá thể các loài chim, côn trùng, không thể tính toán thành trọng lượng được.
Những vụ việc được phát hiện, những cá nhân bị xử lý, cũng chỉ là phần “nổi của tảng băng chìm” trong thế giới ngầm buôn bán trái phép ĐVHD.