Vượt qua hủ tục
2004 là năm đầu tiên ông Nhật mang đồ đạc ở thị trấn Chư Sê về dựng nhà sống một mình ở Ia H'lốp. Một đêm cuối tháng 4, ông có việc đi ra ngoài thì thấy buôn làng chuẩn bị hủ tục chôn một đứa bé theo mẹ xuống mộ. Đứa bé người dân tộc Jarai, sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất, không biết cha mình là ai.
Theo hủ tục của người Jarai, khi người mẹ mất thì đứa con sẽ phải “đi theo”. Ông Nhật không thể chịu đựng được cảnh nhìn một đứa trẻ sơ sinh vô tội bị tước đi mạng sống như vậy.
Khi nghe tin có người đàn ông là người Kinh muốn xin đứa bé về nuôi, già làng cất tiếng khàn khàn: “Người Jrai ta, mẹ chết thì phải cho con đi theo để có cái bú. Giờ đem cho mày, mẹ nó ở “làng ma” không thấy con, kêu Yàng (Thần linh – NV) phạt chết cả họ này thì sao? Bụng mày tốt nhưng không làm trái lệ ông bà chúng ta được. Về đi!”.
Và rồi sau 3 tiếng đồng hồ giằng co, già làng quyết định: “Nếu muốn nuôi đứa bé thì phải mua một con heo to để làng cúng xin Yàng và phải mang nó đi xa làng”. Vét hết trong người chỉ được 300 nghìn đồng, ông Nhật vay mượn bạn bè được 1 triệu đồng nữa mua con lợn 50kg đưa làng để chuộc đứa trẻ.
Rời khỏi nơi đó một quãng thật xa, ông vẫn chưa tin mình vừa giành giật được một sự sống khỏi tay thần chết. Chỉ đến khi ra đến giữa cánh đồng ào ạt gió, ông mới bừng tỉnh. Chính lúc này, tiếng khóc đứt quãng của đứa bé kéo ông về thực tại: “Giờ phải làm sao đây? Thôi thì hẵng cứu lấy mạng sống của bé đã. Có thể sau này ai xin thì cho”…
Ông Nhật bế em bé đói sữa mẹ đi khắp nơi xin những người mới sinh con sữa. Thằng bé đen thui, nặng chỉ hơn 1kg, người ta sợ bệnh tật, không cho bú chung, phải vắt ra chén nhỏ. Mỗi người cũng chỉ giúp một vài lần, bởi nhiều sản phụ ăn uống không đủ chất, ít sữa.
Ông Đinh Minh Nhật và đàn con thơ |
Bé lên 2 tuổi, ông lại phát hiện bé bị bệnh tim. Nhà chỉ có vài sào cà phê bán không đủ tiền mổ. “May sao có người giới thiệu gặp được tổ chức từ thiện ở Huế. Họ tài trợ toàn bộ, hết 42 triệu đồng. Tôi đặt tên cho bé là Đinh Hồng Phúc với mong muốn hồng phúc đến với con trong tương lai”, ông kể.
Một năm sau, ông Nhật lại nghe người dân bàn tán ở xã Ia Glai có vợ chồng không may bị tai nạn chết, để lại 5 đứa con (đứa lớn 9 tuổi, bé út 2 tuổi) không ai chăm sóc. Sau khi vận động lo hậu sự cho cha mẹ bọn trẻ, xe đạp không chở hết, ông Nhật cùng 5 con nuôi đi bộ hơn 40km về nhà.
Ba năm sau, đàn con đang chơi ở xã Ia Ko, thấy một đứa bé tím tái nằm ven đường vội chạy về hét to: “Cha ơi, có đứa bé chết ở ven đường”. Ông đến lật lên thì thằng bé vẫn sống nhưng không có hậu môn. Về bán hết lợn, bò vào TP HCM để giải phẫu cho bé nhưng không đủ, may mắn ông được bạn bè giới thiệu gặp người đàn ông ở Pleiku hỗ trợ 27 triệu đồng. “Chữa xong hết sạch tiền, tôi nợ tài xế xe khách 200 nghìn đồng, một tuần sau mới trả lại được. Tên nó là Đinh Anh Hùng, ở nhà hay gọi là “Thúi” vì phải đi vệ sinh bên hông”, ông kể.
Người đàn ông u não vẫn hết lòng, hết sức nuôi 131 đứa trẻ mồ côi. |
Sống để cho đi
Từ lúc mang 5 đứa trẻ ở Ia Kor về nuôi, tiếng đồn ngày càng xa. Vậy là có người báo tin, có người đích thân mang đến cho ông những đứa trẻ, đủ mọi cảnh đời. Vất vả nhất là có 6 cháu bị thần kinh bẩm sinh, 1 cháu khuyết tật. Mặc những xì xào, dị nghị của người đời, ông chỉ nghĩ một lẽ giản dị: “Cũng như những đứa trẻ mình đã mang về nuôi nấng, nếu từ chối thì chúng sẽ đi về đâu? Như thằng cu Thúi chẳng biết sẽ ra sao nếu không được cứu? Nó là con của một người mẹ Jrai, mới lọt lòng đã bị đem bỏ. Trước khi báo tin cho ông, người ta đã đem cho khắp các làng nhưng không ai nhận. Lý do là cháu không có hậu môn, với đồng bào Jrai thì đó là do “Yàng phạt””.
Mái ấm của người cha đặc biệt này đã có 131 người con. Không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì ông làm nấy: Hái hồ tiêu, cà phê, bón phân, làm cỏ, trông người ốm trong bệnh viện… Dè sẻn từng miếng ăn, chắt chiu từng đồng tiền ủng hộ, để đóng tiền học, tiền đồng phục, sách giáo khoa, kinh phí chữa bệnh cho các con...
Từng có thời gian để có tiền nuôi con, ông Nhật phải lên Pleiku làm thuê trong các BV. Ba đứa lớn ông để ở nhà tự nấu ăn, ba đứa nhỏ ông địu đi cùng. Vài năm sau gom góp mua được chiếc xe máy cà tàng, ông nhờ thợ hàn nối dài phần đuôi chở các con. Có lần chở 6 con lên Pleiku, bị CSGT dừng xe. Nghe trình bày hoàn cảnh, CSGT còn rơm rớm nước mắt, cho đi, cho thêm tiền giúp đỡ.
Được biết, trung bình mỗi bữa các con ông ăn sáng sẽ hết khoảng 100 gói mì tôm; mỗi tháng 800 - 900kg gạo. Ngoài giờ làm việc, ông tranh thủ dạy các con học, dạy các con cách sinh tồn để sau này có thể tự bươn chải sống.
Ông kể, suốt một thời gian dài, một năm các con chỉ ăn no được vài tháng dịp Lễ Phật đản và Lễ Vu lan, khi bà con làm thiện nguyện nhiều. Còn lại các tháng sau đói, nhiều hôm khóc trong đêm. Có lúc đau yếu, mệt mỏi, ông Nhật vẫn phải gắng gượng. Ông lo nhất mấy bé tàn tật, nên đang liên hệ một số nơi để xin gửi mà chưa được.
Ông Nhật nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022 tại Hà Nội. |
Ông Nhật luôn cho rằng tình thương chính là sự cảm hóa kì diệu nhất với con người. Song cùng với đó, “dạy con từ thuở còn thơ” chính là cách giáo dục tốt nhất. “Nghĩ tới các con sau này chưa đến tuổi trưởng thành nhưng không còn ai nương tựa, tôi lại đau lòng. Cũng vì thế, tôi thường xuyên ngồi tâm sự với các con, đặc biệt với các con đã lớn, về mong muốn cả nhà luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”, ông nói.
Có người hỏi sao ông không cho bớt các bé cho những gia đình hiếm muộn? Ông nói, thời gian đầu sợ điều tiếng lợi dụng nuôi con, về sau cũng có hai gia đình xin hai cháu. Nhưng xin các cháu được một thời gian thì gia đình đó mâu thuẫn, người chồng đi với “bồ” và đứa trẻ thành nơi trút giận. Họ đã không thương yêu cháu như đã hứa. Thương xót, ông lại đón các con về. Ông nói, thà cháu nghèo khổ mà đùm bọc. Thôi thì “có đói ăn đói, no ăn no”, chứ cho con đi bị đối xử đánh bầm giập tội nghiệp. Đứa trẻ sau khi trở về đêm ngủ vẫn giật mình sợ hãi. Từ đó ông không cho cháu nào đi nữa.
Thế rồi các con lớn dần lên, cùng ông Nhật chăm sóc các em nhỏ hơn. Gần đây một số nhà hảo tâm biết đến, giúp mái ấm có thêm tiền bạc để nuôi các con, chứ trước đó ông hoàn toàn không kêu gọi xin xỏ tài trợ.
Trong đàn con của ông, có cháu giờ đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế; 4 cháu đang học ĐH năm thứ hai; 4 cháu năm nhất, 16 cháu đang học nghề…
“Đối với tôi, nguồn động lực lớn nhất chính là được ngắm nhìn các con ăn ngon, ngủ ngoan, sống khỏe, lớn khôn. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời cũng chính là được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các con. Tôi mong các con trưởng thành, có lòng yêu thương, trắc ẩn, biết chia sẻ. Tôi mong muốn xã hội sẽ không còn tình trạng cha mẹ bỏ rơi con, để không còn những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa; mọi đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ”, ông nói.
Ông Đinh Minh Nhật SN 1962, ngụ thôn 1, xã Ia H'lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Xuất phát từ những lần bắt gặp những em bé bị bỏ rơi, ông Nhật đã thành lập Mái ấm Giu Se và nhận nuôi 131 trẻ mồ côi suốt 18 năm qua.
Ông Nhật được vinh danh giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Cách đây hơn 3 năm, phát hiện mình mắc bệnh u não, ông quyết định không đi mổ não, để dành tiền lo cho con. Hiện mỗi tháng ông phải về TP HCM truyền thuốc 1 lần.