Người dân cần tiêm đúng lịch, đủ liều để duy trì hiệu quả chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 20/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đẩy mạnh tiêm vaccine

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 17/6/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%). Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến thời điểm này, tiến độ tiêm có xu hướng chậm. Nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6/2022 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5/2022 thì đến hết quý II/2022 dự báo chỉ đạt khoảng gần 70%.

Hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước đã ổn định, song trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, tiêm nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, một số nơi xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là đối với việc tiêm vaccine, có tâm lý sợ trách nhiệm khi không tiếp nhận vaccine đã có quyết định phân bổ. Thậm chí, có tâm lý chủ quan của người dân sau khi mắc bệnh khỏi không muốn tiếp tục tiêm vaccine do không được cung cấp thông tin cụ thể về việc người đã tiêm chủng đủ các liều cơ bản vẫn cần tiêm nhắc lại do miễn dịch do vaccine tạo ra giảm theo thời gian, vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm khi có biến chủng xuất hiện. Công tác vận động, huy động người dân tham gia tiêm chủng tại địa phương chưa hiệu quả...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho rằng, hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, người dân cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhấn mạnh một trong những giải pháp kiểm soát dịch bệnh trước đây và trong tương lai là bao phủ tiêm vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi 4), hạ thấp độ tuổi trẻ em được tiêm vaccine.

Nêu những khó khăn hiện nay trong triển khai tiêm vaccine, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phải hệ thống lại tất cả các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine tăng cường. Các địa phương thống nhất số lượng mũi tiêm với các nhóm đối tượng cụ thể; đồng thời, tăng cường tuyên truyền các thông tin, đặc biệt về các chủng mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine để vận động người dân đi tiêm an toàn trong thời gian trước mắt và lâu dài. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vaccine và có chế tài xử lý phù hợp…

Về biện pháp phòng, chống dịch V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, nêu rõ những nơi bắt buộc thực hiện hoặc những nơi chỉ khuyến khích, vận động thực hiện.

Không để thiếu thuốc, vật tư y tế

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, một số thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị sốt xuất huyết; các trang thiết bị y tế chuyên sâu như thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai - mũi - họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu...; vật tư tiêu hao và hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất xét nghiệm.

Để tháo gỡ một phần khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30/6/2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31/12/2022; cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm…

Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương cho hay tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động; phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật; chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc; một số khó khăn do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cam kết, sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ.

Đối với vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung.

Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của địa phương trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có văn bản tháo gỡ. Bảo hiểm y tế Việt Nam nắm lại tình hình thanh toán cho những trường hợp bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong quá trình điều trị. “Bộ Y tế có trách nhiệm tập trung tháo gỡ những vấn đề cụ thể, vì người bệnh, tuyệt đối không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế,” Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đọc thêm