Mùa mưa bão đang đến gần, thời hạn hơn 2 tháng để Nhà máy thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An) tiến hành tích nước cho hoạt động của nhà mà máy. Nhưng người dân sống trong lòng hồ vẫn chưa chịu di dời trong khi các điểm tái định cư vẫn còn ngổn ngang...
Nhà xây tại các khu TĐC đều làm theo mẫu nhà sàn theo phong tục người Thái |
Ngổn ngang tái định cư
Dọc quanh một vòng đường vành đai, các điểm tái định cư (TĐC) Huôi Siu - Huôi Lạn, Xốp Co - Nậm Tiên của xã Đồng Văn vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na, không khí “đìu hiu” trông thấy được. Lác đác có một vài ngôi nhà được đồng bào dựng lên dở dang trên khu đất mới được san lấp.
Nhà máy Thủy điện Hủa Na có công suất 180 MW, được thiết kế 2 tổ máy phát điện khởi công từ tháng 3/2008, do Công ty Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư, Tập đoàn Sông Đà thi công, với tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại địa phận của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Theo lộ trình triển khai dự án, đến ngày 30/4/2012 phải di dời xong những hộ dân nằm trong vùng lòng hồ để đến ngày 15/6/2012 sẽ tích nước cho việc hoạt động tổ máy số 1 vào tháng 10/2012 và tổ máy số 2 sẽ đưa vào hoạt động tháng 12/2012 hòa điện vào lưới điện Quốc gia.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PLVN tại vùng lòng hồ, các điểm TĐC một số đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, một số chỉ mới được gắn tấm biển chỉ dẫn ghi “Điểm tái định cư…”, bên trong là những bãi đất trống không có ngôi nhà dân nào. Điểm tái định cư Huôi Siu - Huôi Lạn có 130 hộ, nhưng công tác tạo mặt bằng vẫn chưa xong, vẫn còn đó nhiều máy móc được dùng để ủi, san lấp…
Theo tìm hiểu, được biết nguyên nhân khiến tình hình chậm trễ trong việc di dời người dân ra khỏi vùng lòng hồ là do việc đền bù chưa được thỏa đáng. Theo nhiều người dân, hầu hết đơn giá bồi thường các loại cây cối, hoa màu, đất đai đều thấp hơn nhiều so với năm trước (2010). Chị Trần Thị Lý, bản Na Câng (xã Thông Thụ) cho biết, giá đền bù, bồi thường năm 2011 có sự chênh lệnh lớn so với năm 2010. Chị Lý lo lắng: “Gia đình tui được Nhà nước đền bù 39 triệu, số tiền này chưa đủ để trang trải chi phí dời nhà ra khu TĐC. Chưa kể ra khu TĐC muốn nuôi con lợn, con gà cũng cần có vốn mà tiền làm nhà rồi thì chưa biết sẽ làm nghề chi đây…”.
Theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, đến ngày 15/3/2012 mới hơn 46% số hộ dân được phê duyệt phương án đền bù. Theo thống kê, có 1.361 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu (chiếm 1/4 dân số huyện Quế Phong – PV) của 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ phải di dời khỏi vùng lòng hồ. Nhưng đến thời điểm giữa tháng 3/2012 mới di dời được 278 hộ (chiếm 17,8%-trong đó 121 hộ di dời tự nguyện).
Công tác đền bù, hội đồng di dời dân đã chi trả được 761 hộ. Tổng số hộ đã bốc thăm nhận lô đất ở là 232 hộ (21,9%); 8/13 điểm TĐC đã cơ bản thi công xong hạng mục giao thông, điện, nước sinh hoạt… còn 3 điểm TĐC chưa được khởi công. Nhưng có mặt tại các điểm TĐC, nhiều khu vực còn ngổn ngang đất đá chưa được san ủi, nhiều địa điểm đất mới san ủi nền đất chưa ổn định nếu đưa dân về làm nhà ngay trên nền móng chưa ổn định thì có thể rất nguy hiểm…
Một số công trình đang được xây dựng tại khu TĐC Huôi Siu - Huôi Lạn |
Cần giải quyết tốt yếu tố phong tục, văn hóa
Ngoài nguyên nhân khiến nhiều hộ dân chưa đồng ý để di dời về mức giá đền bù là một lý do liên quan đến cuộc sống văn hóa người dân nơi đây. Từ trước đến nay, đồng bào người Thái tại vùng lòng hồ quanh năm sinh sống nơi rừng, suối, sông là nguồn sống chính.
Từ khi được quy hoạch và triển khai xây dựng lòng hồ thì người dân nơi đây đang hết sức lo lắng: “Rừng thì bàn giao lại cho thủy điện để xây dựng nhà máy, sông thì sau này nước dâng cao không có chỗ để đánh bắt cá nữa. Lâu nay, người Thái quen với núi rừng rồi, bây giờ cho ra ngoài bìa rừng để sinh sống không biết sẽ làm chi khi về sinh sống nơi mới đây…”, chị Lương Thị Hải, bản Huồi Siu cho biết.
Do vậy, khi vận động người dân đền bù và TĐC nơi mới nếu người dân không đồng ý với nơi ở mới thì rất khó khăn cho công tác di dời. Hầu hết, khi được hỏi đồng bào đều đồng ý đền bù và TĐC nhưng với điều kiện không chỉ đầy đủ về cơ sở hạ tầng mà còn là vấn đề phong tục, văn hóa của người Thái.
Công tác di dời người dân đến các điểm TĐC còn nhiều khó khăn trước mắt, các điểm TĐC đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa thể đưa người dân đến sinh sống được. Nếu sinh sống trên nền đất còn mới san ủi chưa ổn định sẽ rất nguy hiểm khi địa hình đồi núi có thể xảy ra lũ lụt. Những địa điểm mới về cơ sở vật chất còn dở dang, các công trình dân sinh như trường học, điện sử dụng, nước uống… vẫn chưa hoàn tất.
Ông Trương Minh Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Trưởng Ban Đền bù và hỗ trợ tái định cư Thủy điện Hủa Na: “Nhiều hộ dân chưa đồng tình với những chính sách đền bù của Nhà nước, mặc dù thời gian qua UBND tỉnh đã bổ sung một số chính sách đền bù. Khi triển khai xây dựng nhà TĐC cho bà con nếu dân tự làm thì chính quyền sẽ huy động lực lượng hỗ trợ. Còn nếu xây nhà cho bà con thì sẽ xây theo kiểu nhà sàn để phù hợp với phong tục và văn hóa Thái… Địa phương sẽ phối hợp với các ban ngành để hoàn thành kế hoạch di dời toàn bộ dân trong khu vực lòng hồ ra khỏi lòng hồ để bàn giao lại cho đơn vị thi công tiến hành trữ nước trước ngày 15/6 này”. |
Ngô Toàn