(PLO) - 3 cơn lũ liên tiếp ập đến miền Trung gây ngập lụt nhiều nơi khiến cuộc sống của bà con càng khó khăn hơn.
Ông Lê Quang Vinh - Chánh Văn phòng BCH PCLB huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, mưa lớn từ 21h ngày 31/10 đến sáng nay đã làm 14 xã với khoảng trên 1.200 hộ bị ngập, trong đó, hàng trăm hộ bị ngập 1-1,5m. Người dân Hương Khê lại đang “oằn mình” chống lũ.
Huyện đã tổ chức họp khẩn với các phòng, ngành và có công điện khẩn gửi UBND các xã để biết tình hình xả lũ Thủy điện Hố Hô cũng như tiến hành các phương án ứng phó. Huyện cũng điện thoại trực tiếp chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho nhân dân, học sinh về tình hình mưa lũ, xả lũ cũng như các phương án sơ tán người, tài sản; thành lập tổ công tác giám sát việc xả lũ thủy điện. Huyện chỉ đạo người dân sẵn sàng các phương tiện để ứng cứu khi cần thiết.
|
Sáng 1/11, nhiều xã ở huyện Hương Khê - rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh - ngập sâu khoảng một mét. Các tuyến đường bị chia cắt, người dân phải di chuyển bằng thuyền. |
|
Cả đêm 31/10, địa bàn có mưa rất to, đến sáng nay thì ngớt. Khoảng 9h30 hôm nay, nghe tiếng kẻng báo động, người dân xóm 4 xã Hà Linh đã dùng thuyền, xe bò chở người và vật dụng đi chạy lũ. |
|
Người dân chỉ có thể đi lại bằng thuyền... |
|
Một người dân đang cố gắng di dời máy cày đưa lên vùng cao.Ảnh: VnExpress. |
Cũng tại Hương Khê, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại xã Lộc Yên (Hương Khê), nơi có 300 hộ bị ngập nước từ 0,5 đến 1,2m.
|
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các đơn vị quản lý công trình hồ chứa trong chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn Hà Tĩnh, linh hoạt vận hành để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du |
|
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao công tác phòng chống mưa lũ của địa phương, đồng thời chỉ đạo chính quyền và người dân không được chủ quan, lơ là; phải luôn trong thế chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống bất thường, đảm bảo an toàn về người và tài sản. |
Tỉnh Quảng Bình cũng mưa kéo dài 2 ngày nay, làm hơn 700 hộ dân ở các xã ven sông Gianh thuộc các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn bị ngập. Hơn 100m đê đất ở thôn Tân Thượng xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn bị sạt lở. Một số tuyến đê kè của thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên, thôn Công Hoà, xã Quảng Trung bị xói lở nghiêm trọng và gây ngập cục bộ tại các thôn này.
Mưa lũ tại Quảng Bình đã làm 1 người chết. Nạn nhân là ông Trần Minh Hoạch (53 tuổi, trú tại thôn Phú Xuân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, khi ra tàu cá tát nước để tránh nước ngập máy thì bị ngã và tử vong.
|
Nước ngập sâu hàng trăm nhà dân ở Quảng Bình |
|
Bà con di chuyển trong nước lụt. |
|
Vợ chồng bà Nguyệt chống chọi với cơn lũ mới. |
Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Đê ngập trên 1 mét, nhà dân ngập trên 30%. Trâu bò, tài sản đã được người dân kê lên cao. Nước lên nhanh nên địa phương tập trung sơ tán bằng các nhà thấp lên nhà cao. Còn bao giờ quá sâu thì mới đến các công sở. Xã đang vận động dân sơ tán dân bằng phao, bằng thuyền và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khác”.
Chiều tối 1/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp khẩn với các ngành, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương thông báo cho người dân dự trữ lương thực từ 5 đến 7 ngày, chủ động đối phó với mưa lũ dài ngày, khẩn trương sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
|
Bà con khu phố Đông Định, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ chạy tránh lũ. |
Theo dự báo, sáng và trưa 1/11, lũ trên các sông tại Quảng Bình tiếp tục lên. Mực nước trên Sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng lên trên báo báo động 3 đến 2 m, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, tình trạng ngập lụt có thể kéo dài.