Người đàn ông 10 năm uống dầu hỏa “giải khát”

(PLO) - Dầu hỏa xưa nay người ta dùng để đun, nấu, thắp đèn, pha sơn, rửa mỡ công nghiệp…thế mà có một người đã dùng nó để “giải khát” suốt thời gian dài.
 Ông Phúc (bên phải) trong một lần về thăm quê
Ông Phúc (bên phải) trong một lần về thăm quê
Đó là ông Phạm Ngọc Phúc (SN 1943, nguyên quán thôn Trung  Bính, xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình; hiện đang ngụ tại An Dương, Hải Phòng). 
Nhà ông Phúc có ba anh em, cha mẹ đều là người khỏe mạnh. Mẹ buôn bán ở chợ Đồng Hới, cha chuyên làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người trong thôn xã. Dẫu kinh tế không được dồi dào nhưng ba anh em vẫn được bố mẹ nuôi nấng dạy dỗ chu đáo, ai cũng đều tốt nghiệp trung cấp nghề, là cán bộ trong cơ quan nhà nước.
Cậu bé Phúc lúc lên 9, 10 tuổi “tròn như hạt mít”, có “thói quen” lạ đời là chuyện “giải khát” bằng… dầu hỏa. 
“Phát hiện được điều kỳ lạ khi mẹ tôi vô tình “bắt quả tang” anh tôi  vào góc bàn thờ, nơi đặt chai lọ, dầu, đèn,rồi cầm cái chai dầu hỏa còn lưng nửa, “tu” một lèo thích thú”, em gái ông Phúc hồi ức.
Em gái ông Phúc cho hay “sở thích” của anh mình đến và đi đều bất ngờ
  Em gái ông Phúc cho hay “sở thích” của anh mình đến và đi đều bất ngờ
Kể từ lúc người mẹ phát hiện được bí mật quái gở ấy, một mặt vác roi dọa đánh, một mặt bí mật lấy chai đựng dầu hỏa dùng để đổ vào đèn thắp sáng đêm đêm đưa chôn dưới cát, khi nào cần mới bí mật đào lên để sử dụng. Thế nhưng cậu bé không nản, như một một chú mèo tinh ranh, “đánh hơi” được rất giỏi chỗ chôn cất thức uống mình ưa thích. 
Cậu bé thèm dầu hỏa đến mức bị cho là thỉnh thoảng “thó” ít tiền của mẹ đi chợ về chưa kịp đếm; hoặc vờ nói với cha mẹ cần tiền mua đồ dùng phục vụ học tập. Những số tiền này cậu bé đều dành để “nướng” vào các quán bán dầu hỏa trong làng.
Khi mua, cậu bé cũng rất khôn, không cho ai biết cái “tạng” của mình, mà đưa cái chai không, nói với chủ quán là mua về tối thắp đèn. Nhưng khi ra chỗ khuất, cậu bé “tu” một lèo chai dầu hỏa vừa mua được sạch sành sanh.
Giữa làng Trung Bính có một ngôi miếu cổ dưới gốc cây um tùm, trong lùm cây rậm rạp. Miếu có tên là “Miếu Bà Hỏa”. Tương truyền, thuở xưa ở đây có một bà già không chồng con, đi vơ lá khô về đun khi nghỉ chân trước lúc về, bà đưa thuốc lá ra vấn để hút. Không may khi xòe lửa, lá bắt cháy, cháy luôn sọt lá của bà kiếm được. Ngọn lửa thiêu luôn cả bà. 
Dân làng lập miếu thờ. Vì chết cháy nên người ta gọi là “Bà Hỏa”. “Miếu Bà Hỏa” có cội nguồn là vậy. Người làng Trung Bính đến đây thắp hương, bày lễ, cúng bái, mong “Bà Hỏa” phù hộ độ trì mỗi khi có chuyện không may xảy ra. 
Mẹ của anh Phúc cũng đã đến đây khấn vái như thế mong con trai mình dứt cái tậ quái gở. Nhưng đứa con trai vẫn chứng nào tật đó, “thèm khát” dầu hỏa như người thèm nước.
Uống dầu hỏa như thế nhưng cậu bé Phúc thời nhỏ lại là một cầu thủ rất cừ khôi. Trận cầu nào trên sân cát làng của trẻ em đều không vắng cậu. Cơ thể cậu tròn lẳn, da dẻ hồng hào, lại rất lễ độ nên ai cũng mến, cũng thương. Bởi vậy, những ai từng sống trong làng Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, bên kia sông Nhật Lệ những năm 1950 đều biết đến “Phúc dầu hỏa”.
Điều kỳ lạ không kém là những “cơn nghiện” “giải khát bằng dầu hỏa” cũng tự dưng biến mất. 
Một bác sĩ trong làng đã nói về hiện tượng này như sau: “Cơ địa mỗi người có một đặc điểm khác nhau. Trường hợp anh Phúc uống dầu hỏa vì cơ địa trong giai đoạn phát triển của cơ thể rất cần một số chất trong dung dịch này. Trong thực tế, có người chuyên ăn gạo sống, nhai ngói, gạch vỡ, xỉ tường, hoặc ăn vỏ sò, nang mực… ”. 
Em gái ông Phúc kể, một hôm anh chị đi học về bỗng ôm bụng kêu đau. Một lúc sau, thiếu niên này vừa “hạ”, lại vừa “thổ”. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, bố ông Phúc lần đó biết ngay con trai mình đang bị ngộ độc thức ăn, liền cắt thuốc để chữa trị. Sau khi uống thuốc, những hiện tượng ngộ độc thức ăn chấm dứt cùng với chứng thích uống dầu hỏa.
Sau này học xong cấp II rồi cấp III phổ thông, ông Phạm Ngọc Phúc thi đậu vào trường trung cấp hàng hải Hải Phòng. Sau ba năm học, chàng trai tốt nghiệp, được điều xuống làm thủy thủ trên một số con tàu chuyên chở hàng hóa của Công ty đường biển Hải Phòng.
Ông Phúc từng là thuyền phó con tàu chở hàng ra đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Năm 2003, ông mới về nghỉ hưu ở quê vợ. Ông lấy vợ năm 26 tuổi và có được ba đứa con, hai trai, một gái. Người con nào cũng khỏe mạnh và không hề “thiếu chất” dầu hỏa trong người như bố mình ngày xưa.
“Để lấy được vợ, anh Phúc tôi cũng bị lao đao mấy bận về cái chuyện “nghiện dầu hỏa” của thời dĩ vãng. Không biết từ đâu bên nhà vợ nắm được thông tin ấy. May mà họ hiểu rằng đó chỉ là nhu cầu, thói quen của một thời con trẻ, không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, không di truyền”, người em gái tâm sự.
Trong chuyến trở lại thăm quê cách đây mấy năm, ông Phúc đã gặp lại những người thân trong làng xã và “trợ lý” chuyên đề sức khỏe cho họ, đặc biệt là trẻ em, khi có người nhắc lại “thói quen” nghiện dầu hỏa của ông lúc còn nhỏ. 
Ông Phúc cho hay: “Tôi thích uống dầu hỏa có lẽ do nhu cầu đòi hỏi của cơ thể. Trẻ em trong giai đoạn phát triển, tự bản thân có những đòi hỏi vật chất để bù đắp sự khiếm khuyết do đặc điểm cơ địa của từng người mà tự nhiên sinh ra, có thể ngày xưa ăn uống thiếu thốn nên mới như vậy”./.

Đọc thêm