Theo báo South China Morning Post ngày 19/7, động thái trên của giới chức Hong Kong diễn ra sau khi truyền thông đăng tin một người đàn ông 30 tuổi đã tiêm vaccine của Hãng Pfizer/BioNTech dù trước đó đã tiêm hai liều Moderna ở Singapore.
"Hành vi này có thể bị xếp vào khai báo sai sự thật, gian dối để thu lợi cá nhân và cấu thành tội hình sự. Chính quyền sẽ tiến hành điều tra cũng như xem xét tiến hành các hành động pháp lý thích hợp. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ khởi tố người có liên quan", một người phát ngôn của chính quyền nói.
Giáo sư David Hui Shu-cheong, cố vấn chống dịch COVID-19 của Hong Kong, cho hay, việc tiêm 4 liều vaccine có thể đem lại một vài lợi ích y khoa, song người tiêm cũng phải nhận kèm thêm những nguy cơ gặp tác dụng phụ, chẳng hạn như sốt, đau đầu hoặc nhức mỏi vùng tiêm vaccine.
Theo SCMP, hiện tại, việc đăng ký tiêm vaccine COVID-19 trực tuyến ở Hong Kong chỉ yêu cầu người đăng ký cung cấp thông tin cá nhân, xác nhận đã nắm rõ về những rủi ro có thể xảy ra và chọn nhãn hiệu, thời gian cùng địa điểm để tiêm.
Nhân viên tại trung tâm tiêm chủng hay phòng khám tư nhân thường kiểm tra danh tính người tiêm và hỏi họ đến tiêm mũi 1 hay mũi 2. Người đã tiêm 1 mũi ở ngoài Hong Kong phải cung cấp chi tiết liên quan cho nhân viên y tế để được tư vấn về mũi 2. Những bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất.
Mặt khác, bác sĩ Joseph Tsang Kay-yan, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết có "lỗ hổng" tại các điểm tiêm chủng khi nhân viên y tế không được yêu cầu phải hỏi người đến tiêm chủng việc họ đã tiêm vaccine ở nước ngoài hay chưa.
Ông Joseph cho rằng chính quyền Hong Kong nên thêm câu hỏi này vào tờ khai tiêm chủng.
Hong Kong không ghi nhận ca bệnh mới trong ngày 19/7. Đặc khu đã không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng trong 42 ngày qua. Cho tới nay, Hong Kong đã ghi nhận 11.958 ca bệnh, trong đó 212 ca tử vong.