Người đàn ông trẻ suýt mất mạng vì bệnh do rượu bia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người đàn ông Lạng Sơn lạm dụng rượu được chẩn đoán có nguy cơ tử vong cao do mắc bệnh gout nhiều năm nhưng tự uống thuốc tại nhà.
Lúc vào viện, bệnh nhân sưng đau ở các khớp tay, chân
Lúc vào viện, bệnh nhân sưng đau ở các khớp tay, chân

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 47 tuổi, có tiền sử xơ gan, lạm dụng rượu, bị bệnh gout – viêm khớp hơn 7 năm, tự mua thuốc bên ngoài điều trị. Trước vào viện 4 ngày, người bệnh mệt mỏi nhiều, sốt cao, khó thở.

Lúc vào viện, người bệnh hôn mê sâu, hôn mê, 6 điểm, xuất huyết tiêu hoá, sốt cao liên tục 39-40 độ C, toan chuyển hoá nặng, huyết áp không đo được. Kết quả cấy đờm, cấy máu ra 2 vi khuẩn đa kháng, các vết loét vùng hạt tophi chảy nhiều dịch, máu.

Bệnh nhân được chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn - Nhiễm khuẩn huyết - Nhiễm khuẩn da mô mềm/Đái tháo đường - Tăng huyết áp - Suy thận mạn - Gout mạn, nguy cơ tử vong rất cao.

Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh, truyền dịch. Nhờ những nỗ lực điều trị, sau một tháng, người bệnh đã bỏ được máy thở, có những tiến triển tích cực và đã được xuất viện.

Bệnh gout là một bệnh lý thường gặp ở nam giới, là bệnh do rối loạn chuyển hóa gây nên. Bệnh thường gây ra những hiện tượng sưng đau khó chịu ở các khớp tay hoặc chân nếu không kịp thời chữa trị có thể biến chứng làm các khớp bị biến dạng.

Nguyên nhân của bệnh gout này chính là do dư thừa một lượng lớn acid uric trong máu không thể đào thải ra ngoài được và tích tụ lại tại các khớp tạo thành các tinh thể acid uric. Các tinh thể này thường xuất hiện tại các khớp ngón chân cái, mắt cá chân, khớp tay, gây ra sưng đỏ rất khó chịu cho người bệnh.

Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia, rượu, bia chính là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gout. Trong rượu, bia có chứa một lượng acid uric, khi sử dụng sẽ khiến lượng chất này tăng lên, dẫn tới cơ thể không đào thải kịp, dẫn tới tình trạng gout. Tình trạng gout kéo dài sẽ gây đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt cho người bệnh. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn gây biến chứng như sỏi thận, suy tim, tăng nguy cơ đột quỵ… Người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ hoại tử khớp và tàn phế nếu các hạt tophi bị vỡ gây ra viêm loét, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, viêm khớp.

Do đó, để phòng ngừa bệnh gout người dân cần hạn chế hoặc ngừng sử dụng rượu, bia. Đặc biệt với người đang bị gout thì càng không nên dùng các đồ uống kích thích này. Ngoài ra, chúng ta nên lựa chọn các loại thức ăn lành mạnh, bổ dưỡng và cân đối khẩu phần ăn để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Hạn chế tối đa các loại thực phẩm như: Nội tạng động vật, nấm, trứng cá... Nên tránh các loại thức ăn chứa quá nhiều đạm gây dư thừa chất, đồng thời nên tăng cường vận động, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý, tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe, giảm cân và điều hòa quá trình trao đổi chất.

Đọc thêm