Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill xuất thân trong một gia đình quý tộc có truyền thống hoạt động chính trị lâu đời của Anh. Cha của ông là ông Randolph Churchill – Công tước xứ Marlborough đồng thời là một chính trị gia có tiếng thuộc đảng Bảo thủ ở Anh những năm 1870, 1880.
Còn mẹ của ông là bà Jennie Jerome – người thừa kế của một nhà đầu cơ chứng khoán, đồng thời cũng là một trong những người đồng sở hữu tờ The New York Times nổi tiếng ở Mỹ.
3 lần trượt đại học
Churchill chào đời ngày 30/11/1874 ở Cung điện Blenheim tại Oxfordshire, Anh, sớm hơn 2 tháng so với dự kiến. Trong những năm đầu đời, Churchill sống ở Dublin, Ireland cùng cha và ông nội. Tuy nhiên, các ghi chép cho biết, dù xuất thân trong một gia đình sự giàu có, danh tiếng lẫy lừng nhưng Churchill lại khiến cha mẹ vô cùng rầu lòng vì ngay từ khi còn nhỏ ông đã học khá kém.
Trong suốt những năm tiểu học và trung học, Churchill theo học ở 3 trường tư nhân khác nhau và thường nằm trong nhóm những cậu bé có điểm số thấp nhất trong những lớp thuộc tốp học tệ nhất của các trường đó. Cho rằng học lực của con trai mình không đủ để theo đuổi chính trị hay ngành luật nên ngay khi Churchill lên 13 tuổi, cha của ông đã cho ông đến học trường quân sự ở Harrow.
Năm 1893, Winston Churchill ghi danh vào trường Đại học quân sự Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, khởi đầu của sự học này cũng khá gian nan khi ông phải qua đến 3 lần thi trượt mới đỗ đầu vào. Dù vậy nhưng sau đó ông lại thể hiện khá tốt ở trường – một phần là do trường quân sự tập trung nhiều hơn vào vấn đề huấn luyện và ông không phải học môn toán, môn học mà ông vốn rất ghét. Kết quả là ông đã tốt nghiệp trường quân sự với thành tích xếp thứ 8/150 sinh viên của lớp!
Sự kiện đáng nhớ nhất trong những năm niên thiếu của Churchill có lẽ chính là việc ông bị ngã cầu. Trong cuốn hồi ký Những năm đầu đời được xuất bản vào năm 1930, Churchill viết: “Dì Lady Wimborne thường cho chúng tôi mượn căn nhà ở Bournemouth vào mỗi mùa đông để nghỉ. Ở đó có một khoảng rừng rộng khoảng 50 mẫu, bao phủ xung quanh là cát tráng và những vách đá cheo veo”.
Mùa đông năm Churchill 18 tuổi, cậu lại đến đây như thường lệ. Một ngày nọ, trong lúc chơi đuổi bắt với 2 người em nhỏ, cậu chạy lên cây cầu bắc giữa 2 vách đá. Để tránh không bị các em bắt lại, Churchill bèn nhảy sang một mỏm đá. Tuy nhiên, thay vì bám lại được, cậu đã rơi xuống vách. “Phải 3 ngày sau tôi mới tỉnh lại và nằm liệt giường suốt 3 tháng sau đó” – Churchill kể lại trong cuốn hồi ký.
Phóng viên chiến trường
Rời trường quân sự với cấp bậc thiếu úy, Churchill bắt đầu được điều ra nước ngoài. Mỗi tháng, ông nhận được trợ cấp 300 bảng. Mẹ của ông cho thêm ông 400 bảng mỗi năm. Tuy nhiên, Churchill nói rằng ông cần ít nhất 500 bảng mới đủ sống.
Đó chính là một trong những lý do khiến ông quan tâm đến báo chí chiến trường. Trong thời gian được cử đi các chiến trường khác nhau như Cuba, Ấn Độ, Sudan…, ông đều đặn gửi những thông tin có được từ thực địa và cả những thông tin hậu trường mà ông đã dùng mối quan hệ cá nhân có được để viết tin. Những bản tin của ông vì thế vừa đảm bảo tính thời sự, cập nhật và cũng rất chính xác, “độc”. Nhờ đó, ông được công chúng biết đến nhiều hơn và cũng kiếm được thêm một khoản thu nhập kha khá.
Năm 1899, khi đến Nam Phi thực hiện bản tin cho tờ nhật báo Morning Post, Churchill đã bị bắt làm tù binh. Trong lần đó, ông đã dũng cảm trèo qua cửa sổ phòng tắm, trốn thoát ra ngoài rồi tìm cách vượt gần 500km về Mozambique và trở nên nổi tiếng hơn với những bản tin về cuộc trốn chạy ngoạn mục này.
Ngoài việc viết báo, Churchill cũng rất tích cực viết sách. Khi trở về Anh vào năm 1900, ở tuổi 26, ông đã xuất bản được 5 cuốn sách. Về sau, nhờ sở thích viết sách này mà ông đã tổng cộng 20 lần được đề cử giải Nobel văn học và trúng giải một lần vào năm 1953.
|
Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. |
Khởi sự chính trị
Ngay khi rời quân ngũ trở về Anh, Churchill được bầu làm nghị sỹ quốc hội, đại diện Đảng Bảo thủ ở Oldham, thuộc Manchester, tích cực ủng hộ cải cách xã hội. Song, khi nhận thấy có những bất đồng giữa quan điểm cá nhân và đảng Bảo thủ, năm 1904, ông chuyển sang Đảng tự do. Năm 1908, sau khi được bầu vào quốc hội, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng thương mại của Thủ tướng Lloyd George.
Cùng trong năm này, ông đưa ra nhiều đề xuất đặt nền móng cho hệ thống phúc lợi nhà nước Anh như cải tổ hệ thống nhà tù, lần đầu đưa ra thực hiện quy định về tiền lương tối thiểu, giúp lập các quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các sàn giao dịch lao động cho người thất nghiệp. Ông cũng chính là người tích cực thúc đẩy Luật Ngân sách nhân dân, theo đó áp các khoản thuế mới với người giàu để chi cho các chương trình phúc lợi xã hội mới.
Năm 1911, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân Anh. Trên cương vị này, Churchill đã có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa hải quân Anh, như ra lệnh đóng những tàu chiến mới chạy bằng dầu thay vì than đá, thúc đẩy việc sử dụng máy bay chiến đấu quân sự và thành lập Lực lượng không quân hoàng gia Anh.
Song, ông cũng bị nhiều người chỉ trích về một số thất bại của lực lượng hải quân Anh trong chiến đấu và rèn luyện, đặc biệt là thất bại trong trận Gallipoli. Dù không là người trực tiếp đưa đến thất bại này nhưng ông sau đó vẫn từ chức với suy nghĩ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Đam mê với quân sự dường như đã ngấm vào máu nên chỉ một thời gian sau đó ông lại tiếp tục gia nhập quân đội Anh và đến năm 1917 được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ đạn dược, giám sát việc sản xuất xe tăng, máy bay và đạn dược của quân đội Anh.
Từ năm 1919 đến 1922, Churchill là bộ trưởng bộ chiến tranh của Anh. Sau thất bại của Đảng Tự do vào năm 1922, ông lại chuyển sang Đảng Bảo thủ. Tại cuộc tuyển cử năm 1929, Đảng Lao động chiến thắng nên ông 1 lần nữa mất chức. Ngày 3/9/1939 - ngày Anh tuyên chiến với Đức, ông được mời trở lại nội các Anh và được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ hải quân rồi đến năm 1940 thì trở thành bộ trưởng bộ quốc phòng kiêm chủ tịch Ủy ban điều phối quân đội Anh.
Tháng 4/1940, Đức chiếm đóng Na Uy khiến Chiến tranh thế giới II lan rộng hơn. Một tháng sau đó, quốc hội Anh bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Neville Chamberlain. Ngày 10/5, Nhà Vua George VI đã bổ nhiệm Churchill làm thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng.
“Tôi chẳng có gì để dâng hiến ngoài máu, sự nỗ lực, nước mắt và mồ hôi. Các vị hỏi chính sách của chúng ta là gì thì tôi có thể nói rằng đó là tổng lực chiến đấu cả trên biển, trên đất liền và trên không, bằng tất cả sức mạnh và niềm tin của mình để chống lại một chế độ độc tài tàn ác. Các vị hỏi mục tiêu của chúng ta là gì thì tôi có thể trả lời trong chỉ 1 từ là chiến thắng” – ông nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức thủ tướng.
Sau khi lên nắm quyền, Churchill bắt đầu thành lập nội các bao gồm thành viên của các đảng lớn và bổ nhiệm những người thông minh, tài giỏi vào những vị trí chủ chốt. Tháng 7/1940, Đức tấn công Anh. Ông dùng mọi cách để giữ tinh thần chiến đấu của người Anh. Ông cũng tích cực thuyết phục để Mỹ đồng ý cung cấp vũ khí, đạn dược, xe tăng và máy bay cho Anh.
Sau khi Mỹ tham chiến vào tháng 12/1941, ông hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Roosevelt và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin để lập chiến lược đấu tranh. Ngày 7/5/1945, Đức đầu hàng, phe Đồng minh giành chiến thắng.
Nhưng, tréo ngoe là dù là một trong những “kiến trúc sư” của chiến thắng này nhưng Churchill lại bị chính cử tri Anh bỏ phiếu bác bỏ cùng với đảng Bảo thủ tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra 2 tháng sau đó. Sau đó, ông được bầu làm thủ tướng thêm 1 nhiệm kỳ nữa nhưng không đạt nhiều thành tích đáng kể. Churchill qua đời năm 1965 do bị đột quỵ, 10 năm sau khi ông nghỉ hưu và rút khỏi chính trường Anh...