Người dân vẫn lo “lợi ích nhóm” chi phối chính sách

(PLVN) - Một vấn đề được Báo cáo Phong vũ biểu tham  nhũng Việt Nam 2019 (VCB -2019) đề cập là đa số người được khảo sát (54%) cho rằng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn hay các nhóm lợi ích luôn luôn hoặc thường xuyên chi phối một cách thiếu minh bạch các chính sách và quyết định của Nhà nước vì lợi ích riêng.  

Theo Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB-2019) được Tổ chức Minh bạch (TT) công bố tại Hà Nội sáng nay – 7/1, người dân Việt Nam ngày càng tin rằng tham nhũng đang thuyên giảm và các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước “là có hiệu quả hơn”.

Trao đổi về Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB-2019)
Trao đổi về  Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB-2019)

Các vụ án lớn được dư luận quan tâm, có ảnh hưởng đến hệ thống quản lý nhà nước như vụ AVG, Vũ “nhôm”,… được Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) chỉ đạo quyết liệt đã nhanh chóng được đưa ra điều tra, xét xử thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác PCTN “không có vùng cấm”, mang lại niềm tin vào cuộc chiến PCTN.

Vì thế, năm 2019, cứ 2 người được khảo sát thì 1 người cho rằng công tác PCTN có hiệu quả (tăng gấp đôi so với tỷ lệ năm 2016). So với năm 2016, tỷ lệ người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc PCTN cũng tăng đáng kể (từ 55% năm 2016 lên 71% năm 2019).

Lần đầu tiên trong 4 lần khảo sát, báo cáo VCB-2019 ghi nhận sự giảm xuống rõ rệt về tỷ lệ người dân phải đưa hối lộ khi sử dụng dịch vụ công (18% năm 2019 so với 65% năm 2016). Đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam.

Mặc dù trải nghiệm tham nhũng giảm xuống nhưng người dân cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Năm 2019, tham nhũng đứng vị trí thứ 4 trong những mối quan tâm hàng đầu (đói nghèo, an toàn thực phẩm, an ninh, giáo dục, việc làm, bảo vệ môi trường, ô nhiễm nước) của người dân (năm 2016 đứng thứ 7).

VCB-2019 cho thấy, những người có  thu nhập trên trung bình (27%) có khả năng đưa hối lộ cao hơn những người có thu nhập dưới mức trung bình (12%). VCB -2019 cho rằng, người nghèo không có điều kiện để hối lộ sẽ bị từ chối tiếp cận các dịch vụ công mà lẽ ra họ được hưởng công bằng như các đối tượng khác trong xã hội. 

Nỗ lực của người dân trong PCTN tăng đang kể so với năm 2016 thông qua việc từ chối hối lộ (kể cả các khoản nhỏ), tố cáo tham nhũng, tẩy chay các doanh nghiệp bị kết tội tham nhũng, tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức trong PCTN… Nhưng vẫn có đến 18% người được hỏi cho biết “sẽ không làm gì cả” trong cuộc chiến này.

Đáng chú ý là 49% người được hỏi không tin tưởng vào tác dụng của việc tố cáo tham nhũng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo. 21% người tham gia khảo sát từng hối lộ khi sử dụng dịch vụ công đã không tố cáo tham nhũng. Có đến 32% người được hỏi không biết cách nào để tố cáo tham nhũng.

“Kết quả này cho thấy các biện pháp PCTN cần tập trung vào việc bảo vệ người tố cáo, tăng hiệu quả các cơ chế bảo vệ người tố cáo và hiểu biết của người dân về việc tố cáo tham nhũng” – TT khuyến nghị. 14% người được TT phỏng vấn cho rằng cần có cơ chế tố cáo tham nhũng hiệu quả hơn để “bảo vệ tốt hơn các nạn nhân, nhân chứng và người tố cáo tham nhũng”.

Một vấn đề được VCB -2019 đề cập là đa số người được khảo sát (54%) cho rằng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn hay các nhóm lợi ích luôn luôn hoặc thường xuyên chi phối một cách thiếu minh bạch các chính sách và quyết định của Nhà nước vì lợi ích riêng.  

Tình hình này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực của các bên, đặc biệt là sự tham gia của người dân, nhằm giảm tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững. Người dân đòi hỏi các hành động mạnh mẽ hơn trong PCTN, trong đó 36% người được hỏi nhấn mạnh đến yêu cầu “nâng cao tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức” và 39% mong muốn có sự “trừng phạt thích đáng các tội phạm tham  nhũng”.

38% người được hỏi thừa nhận đã hối lộ cảnh sát giao thông 

Trong 7 lĩnh vực dịch vụ công (trường công, bệnh viện công, cơ quan hành chính, cơ quan cung cấp dịch vụ công, công an, tòa án) được khảo sát, tỷ lệ hối lộ dao động từ 4%-38% tùy vào từng dịch vụ.

Mặc dù chỉ có 2% người được hỏi (17 người) tiếp xúc với Tòa án nhưng tỷ lệ đưa hối lộ khá cao (22%)) - đứng thứ 2 trong 7 lĩnh vực được khảo sát.

Khi tiếp xúc với các dịch vụ công, người sử dụng dịch vụ công ở miền Bắc (nhất là vùng đồng bằng sông Hồng) đưa hối lộ nhiều hơn. Tỷ lệ đưa hối lộ ở Hà Nội (39%) cao gấp 3 lần ở TP HCM (12%) (Nguồn: VCB-2019)

Đọc thêm