vang bóng một thời

Người đẹp Tây Đô, huyền thoại về nữ tình báo xinh đẹp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Người đẹp Tây đô” là tên một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Việt Nam những năm 1990 và cũng là biệt danh của một nữ chiến sĩ tình báo cách mạng tài sắc vẹn toàn. Cuộc đời đầy li kì và những cống hiến của bà trong cuộc kháng chiến cứu nước đã trở thành một huyền thoại.
Nàng Bạch Cúc trong phim “Người đẹp Tây đô” do nữ diễn viên Việt Trinh thủ vai. (Ảnh: Internet)
Nàng Bạch Cúc trong phim “Người đẹp Tây đô” do nữ diễn viên Việt Trinh thủ vai. (Ảnh: Internet)

Nửa đời trước và cuộc thoát ly quá khứ

Hơn hai thập kỉ trôi qua, cái tên “người đẹp Tây đô” vẫn quen thuộc với người dân cả nước. Xuất phát của sự nổi danh này là từ bộ phim truyền hình đặc sắc “Người đẹp Tây đô” do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Phim do NSƯT Lê Cung Bắc làm đạo diễn, Việt Trinh thủ vai nàng Bạch Cúc, nữ tình báo xinh đẹp xuất thân từ con dâu nhà địa chủ nổi tiếng vùng Tây đô. Bộ phim truyền hình dài tập với nội dung hấp dẫn, dàn diễn viên gạo cội, nhập vai xuất sắc đã trở thành phim truyền hình được yêu thích của khán giả trong suốt nhiều thập kỉ. Trên thực tế, cuộc đời của nguyên mẫu nàng Bạch Cúc trong phim cũng không kém phần li kì, nhiều cung bậc, sắc màu.

Những năm 1910, người Pháp bắt đầu quy hoạch xây dựng Cần Thơ với tất cả mọi điều kiện cơ sở vất chất xứng danh thủ phủ. Năm 1918, Trường Taberd Cần Thơ được mở ra. Ông Lâm Văn Phận ban đầu xuất thân là giáo viên trường, sau đó được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Ông Phận có lần lượt 4 người con: Lâm Thị Phấn, Lâm Văn Phát, Lâm Thị Phết, Lâm Văn Phiên. Sau này, Lâm Thị Phấn và Lâm Thị Phết hoạt động cách mạng, Lâm Văn Phát trở thành tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, em trai út là Lâm Văn Phiên trở thành thiếu tá không quân Việt Nam Cộng Hòa.

Bà Lâm Thị Phấn ngoài đời thực. (Ảnh tư liệu)

Bà Lâm Thị Phấn ngoài đời thực. (Ảnh tư liệu)

Lâm Thị Phấn là con gái đầu lòng của ông giáo Phận. Từ nhỏ, cô Phấn, còn được gọi Élise, đã hấp thụ nên giáo dục phương Tây đậm nét, được ăn học đàng hoàng, khác với nhiều cô gái thời ấy. Thuở thiếu thời cô Phấn theo học Trường Taberd Cần Thơ, đến năm 15 tuổi thì đỗ tú tài, cái bằng mà không mấy phụ nữ thời ấy có được.

Không chỉ có học vấn, nức tiếng thông minh, cô Phấn còn nổi danh hơn vì ngoại hình rất xinh đẹp. Thời ấy mà cô Phấn cao gần 1m70, dáng người dong dỏng thanh lịch, nước da trắng và khuôn mặt rạng ngời. Cô Phấn không chỉ trở thành Hoa khôi Trường Taberd mà còn được coi là Hoa khôi của miền Tây đô.

Năm Phấn 17 tuổi, nhà Bá hộ Phan Văn Bì ở Bạc Liêu đem lễ vật qua hỏi cưới cô cho con trai đích tôn của gia tộc. Bá hộ Bì, người được mệnh danh là Vua lúa gạo Nam kỳ bấy giờ, thuộc một gia tộc cực kì giàu có. Ông chính là ông ngoại công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Chồng cô Phấn là ông Phan Tấn Dĩnh, anh em họ của công tử Bạc Liêu và cũng như ông anh họ, “cậu ba Dĩnh” cũng nức tiếng ăn chơi Nam kì lục tỉnh.

Việc nhà bá hộ Bì hỏi cưới cô Phấn cho cậu con trai “phá trời không mời thiên lôi” là bởi sự tính toán sâu xa của gia đình họ, nghĩ rằng cô Phấn vừa đẹp người, đẹp nết, vừa có học vấn, sắc sảo, giỏi giang thì có thể “giữ chân” được quý tử ăn chơi, đồng thời có thể giúp quản lý được gia sản và sự nghiệp nhà chồng, làm chỗ dựa cho cậu quý tử sau này.

Quả thật, cô Phấn về nhà chồng, làm “mợ ba” nhưng không hề trở thành quý phu nhân “ngồi mát ăn bát vàng”. Cô phải vùi mình vào công việc quản lý gia sản. Nhưng không như kì vọng của cha mẹ chồng, nhan sắc, tài hoa của cô Phấn cũng không “giữ chân” được cậu công tử quen nết ăn chơi đàn đúm. Ngoài sự mệt mỏi về công việc, cô Phấn còn rất khổ tâm khi phải sống với người chồng chơi bời, vô trách nhiệm, suốt ngày chỉ biết đòi tiền để “phá”, không có lấy một sự tôn trọng dành cho người vợ đầu ấp tay gối. Thậm chí, khi không đòi được tiền để ăn chơi, cậu Dĩnh còn sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ.

Quá trình sinh sống, quản lý gia sản một nhà địa chủ, tiếp xúc với nhiều tá điền, tầng lớp nông dân cùng khổ, đồng thời thấm thía thân phận của người phụ nữ trong xã hội, cô Phấn, với tư duy cởi mở, tiến bộ đã nung nấu trong lòng tinh thần phản kháng, mong muốn tìm được con đường đi tốt đẹp hơn cho mình và cho những người cùng khổ khác.

Năm 1944, cô Phấn thoát ly nhà chồng, đi theo con đường cách mạng. Tuy nhiên, cô bị nhà chồng truy đuổi, bắt về nhốt trong kho chứa củi. Sau đó cô được tá điền mà cô hằng giúp đỡ tiếp tế cơm nước, giúp cô trốn thoát.

Năm 1945, khi Cách mạng tháng 8 nổ ra thành công, cậu ba Dĩnh, người thuộc gia đình địa chủ, gây nhiều tội lỗi với người nông dân, lại có nhiều liên hệ trực tiếp với người Pháp đã bị quân khởi nghĩa bắt được, chờ bị xử lý. Bà Phấn lúc ấy đã là một nữ chiến sĩ cách mạng, nghe tin đã đi suốt đêm qua nhiều cánh đồng, con sông để gặp chỉ huy bộ đội kháng chiến để xin ký lệnh tha cho chồng cũ. Bởi tuy không còn tình yêu, bà vẫn còn cái nghĩa vợ chồng khi xưa với ba Dĩnh, còn cả con chung với nhau. Và bà cũng biết rằng, ba Dĩnh tuy chơi bời nhưng không phải người tàn ác, bà muốn cho ông một cơ hội để làm lại cuộc đời, để sống, nuôi con.

“Thần vệ nữ phương Đông” và những chiến công hiển hách

Lâm Thị Phấn được kết nạp Đảng vào ngày 2/8/1950. Bà chính là người vận động xây dựng Hội Phụ nữ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và trở thành Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Sau đó, bà gặp lại cha, ông Lâm Văn Phận cũng tham gia kháng chiến từ sau năm 1945. Ông Phận cũng hết mình với sự nghiệp cách mạng, từng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ, học trò của ông Phận là những cán bộ cốt cán của Việt Minh vùng Tây Nam Bộ như: Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng...

Với tấm bằng tú tài Pháp cùng ngoại hình đẹp, bà được giao nhiệm vụ vô cùng đặc biệt là xây dựng đội ngũ điệp báo miền Tây ngay tại Cần Thơ, nơi quân địch đang đóng quân. Bà gia nhập tổ điệp báo trong nội thành thành phố Cần Thơ, lấy bí danh là Thanh Phong, có nhiệm vụ khai thác những tin tức trong bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Cần Thơ. Bà còn đảm nhiệm nhiệm vụ chuyển vũ khí, đưa đường cho các chiến sĩ đặc công làm nhiệm vụ, tham gia giải cứu cho các chiến sĩ bị địch bắt. Em gái bà Phấn, bà Lâm Thị Phết cũng là thành viên của tổ điệp báo này. Hai chị em hỗ trợ nhau trong các nhiệm vụ mang đầy thách thức và hiểm nguy.

Bà Phấn chụp hình lưu niệm cùng đoàn làm phim “Người đẹp Tây đô”. (Ảnh tư liệu)

Bà Phấn chụp hình lưu niệm cùng đoàn làm phim “Người đẹp Tây đô”. (Ảnh tư liệu)

Sống trong lòng địch, bà Phấn với sự thông minh và nhan sắc rạng ngời đã sớm trở thành một phụ nữ danh tiếng, được mệnh danh là “thần Vệ Nữ phương Đông”. Để thực hiện nhiệm vụ, nàng Élise yêu kiều đã thường xuyên lui tới các câu lạc bộ sĩ quan, các buổi tiệc do viên chức Pháp tổ chức để khai thác thông tin và móc nối, lôi kéo những sĩ quan gốc Việt về hoạt động cho tổ chức. Bà Phấn được rất nhiều sĩ quan theo đuổi và cũng thành công trong việc lung lạc, đưa nhiều sĩ quan Pháp gốc Việt đến với con đường chính nghĩa cách mạng. Trong số đó có ông Trần Hiến, con lai Pháp, giữ chức quan phiên dịch cho quân đội Pháp, rất được người Pháp trọng dụng. Bà đã cảm hóa ông Trần Hiến, khiến ông từ bỏ con đường sai trái, giác ngộ và đi theo cách mạng. Ông Hiến cũng chính là tình yêu chân chính của đời bà. Cùng hoạt động cách mạng, nảy sinh tình yêu, họ đã nên duyên chồng vợ, trở thành một đôi vợ chồng chiến sĩ tình báo lập nên nhiều chiến công cho cách mạng tại Tây đô.

Cuối năm 1954, hai vợ chồng bà Phấn tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tại đây, bà đã hạ sinh một cô con gái xinh xắn là Trần Hồng Hạnh. Lấy chồng, sinh con nhưng bà Phấn vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng sôi nổi, lập nên nhiều chiến công khác. Bà cũng từng tiếp cận, nỗ lực cảm hóa các em trai, hai vị tướng nổi tiếng của chế độ Cộng hòa.

Sau khi miền Nam giải phóng, bà được điều về Quân khu 9 công tác và về hưu năm 1984, rồi qua đời năm 92 tuổi, trọn vẹn một cuộc đời nhiều sóng gió nhưng cũng đầy hiển hách.

Cho đến nay, dẫu đã qua bao năm tháng, tên gọi “người đẹp Tây đô” vẫn quen thuộc trên môi người dân miền Tây Nam Bộ, người dân cả nước. Hình ảnh nàng “Bạch Cúc” Lâm Thị Phấn xinh đẹp, giỏi giang, có lý tưởng cách mạng và lập được nhiều chiến công hiển hách từ trên phim đến ngoài đời đã trở thành một trong những hình mẫu đẹp đẽ nhất mà bao thế hệ phụ nữ Việt ngưỡng mộ, noi theo.