Người dùng cần thận trọng khi tham gia mạng xã hội

(PLVN) - Chiều 6/11, tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 11/2023 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong việc bảo mật thông tin khi sử dụng các ứng dụng AI cũng như mua like, tick xanh...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: PV)

Trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật Việt Nam về nguy cơ lộ thông tin khi sử dụng ứng dụng Zalo AI, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, các ứng dụng sử dụng trên nền tảng internet đều có nguy cơ lộ lọt thông tin. Không chỉ riêng Zalo AI mà các ứng dụng tương tự cũng đều có sự rủi ro về mất an toàn thông tin cá nhân. Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Zalo là công ty của Việt Nam, vì vậy họ luôn cam kết tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Trên không gian mạng, có nhiều ứng dụng khác cũng thu thập hình ảnh, thông tin của người sử dụng. Người dùng cần cảnh giác với những ứng dụng không rõ nguồn gốc bởi đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin. Đáng chú ý, một số rủi ro công cụ AI tác động đến trẻ em có thể kể đến là trẻ em tiếp cận thông tin không phù hợp lứa tuổi; có hành vi bạo lực; rò rỉ thông tin cá nhân; dễ bị lôi kéo tham gia các thử thách, trò chơi nguy hiểm trên không gian mạng; tác động tâm sinh lý, hành vi của trẻ em.

Với các nguy cơ như vậy, Cục An toàn thông tin đã có nhiều khuyến cáo các bậc phụ huynh khi muốn cho trẻ em tham gia không gian mạng cần tuân thủ: Nguyên tắc thông tin (tuân thủ tất cả các nguyên tắc, biện pháp bảo mật thông tin của nhà cung cấp đưa ra); Thông minh (trang bị kiến thức cơ bản cho bản thân và con em trên môi trường mạng); Thận trọng (luôn thận trọng với bất cứ thông tin nào trên môi trường mạng); Tử tế (cư xử văn minh, tuân thủ nguyên tắc ứng xử trên môi trường mạng).

Ngoài ra, đại diện Cục An toàn thông tin khuyến cáo, khi để trẻ em tham gia môi trường mạng, phụ huynh cần sử dụng các ứng dụng mà các nhà cung cấp dành riêng cho trẻ em...

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do. (Ảnh: PV)

Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam, về việc thời gian gần đây Facebook đã cho phép người dùng chạy quảng cáo, mua like và tick xanh, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nêu rõ, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, trừ khi các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới đó vi phạm pháp luật, có thông tin tiêu cực, gây phương hại đến người dùng.

Việc mua like, tick xanh là việc pháp luật không cấm, do đó Cục không can thiệp nhưng ông Do gửi thông điệp: Mỗi tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần suy nghĩ xem có tiếp tục tham gia và làm giàu cho các nền tảng xã hội mà mình thấy không an toàn hay không?

Liên quan đến việc quản lý ứng xử văn hóa trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, đây là việc không chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông, mà là của nhiều Bộ, ngành, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai một số giải pháp nâng cao nhận thức của người dân trên mạng xã hội.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã. (Ảnh: PV)

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã ban hành Cẩm nang ứng xử trên không gian mạng; xây dựng “Chiến dịch Tin”, với mục tiêu chống tin giả, nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam (trung tuần tháng 11 sẽ sơ kết nội dung này). Năm 2024, Bộ sẽ xây dựng một giải thưởng tôn vinh các chương trình, nhà sáng tạo nội dung, các trang, kênh lan tỏa thông tin tích cực, có ích trên không gian mạng.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sỹ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục trên không gian mạng. Theo dự kiến, cuối năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành quy trình này.

Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng khi tắt sóng 2G

Trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật Việt Nam về lộ trình tắt sóng 2G, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn thông báo về quy hoạch băng tần 900MHz, 1.800MHz và 2.100MHz; trong đó, có đề cập tới việc duy trì mạng 2G, 3G, 4G trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu các nhà mạng tổ chức duy trì chất lượng mạng lưới, phát triển vùng phủ sóng 4G thay thế dần vùng phủ sóng 2G, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để người dân có cơ hội chuyển sang thuê bao 4G.

Về lộ trình tắt sóng mạng 2G có hai nội dung: duy trì chất lượng mạng lưới và chuyển mạng 2G sang 4G. Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu doanh nghiệp xây dựng đề án cụ thể. Hiện các doanh nghiệp đang xây dựng đề án cụ thể. Bộ sẽ tổng hợp và xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo việc tắt sóng 2G có lộ trình, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng nhưng vẫn phát triển được các công nghệ mới.

Đọc thêm