Theo quy định, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.
Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Về thời gian tiếp dân, mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất một ngày; người đứng đầu cấp xã tiếp dân ít nhất hai ngày và tiếp đột xuất trong các trường hợp vụ việc phức tạp, nổi cộm, kéo dài hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Quy định cũng nêu rõ trình tự tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy; thời hạn xử lý, giải quyết cũng như xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong những trường hợp thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Ðảng, Nhà nước về việc tiếp dân.