Người dùng sẽ được hưởng lợi khi giảm giá cước kết nối viễn thông?

Thông tư 48/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ ngày 1/5 quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động sẽ giảm khoảng 20% so với trước đây.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: MBF)

Theo đó, cước kết nối cuộc gọi giữa các mạng di động dao động từ 400 - 440 đồng/phút. Cụ thể, nếu gọi sang thuê bao của Viettel, mạng di động gọi đi phải trả Viettel cước kết nối 440 đồng/phút. Trong khi đó, gọi tới số thuê bao của các nhà mạng của VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, mạng gọi đi phải trả cho các nhà mạng nói trên 440 đồng/phút (trước đây là từ 500-550 đồng/phút).

Ngoài ra, mạng điện thoại cố định nội hạt thực hiện cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút (trước đây là 415 đồng/phút). 

Trên một số trang mạng, nhiều thông tin cho rằng điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/5, giá cước liên lạc điện thoại sẽ được giảm. 

Tuy nhiên, thực tế thì mức cước trên được quy định cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kết nối cuộc gọi thoại của mạng di động và mạng nội hạt; các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

Như vậy, việc giảm cước tới người dùng cuối còn phải phụ thuộc vào chính sách điều chỉnh của nhà mạng. 

Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây với việc lên ngôi của các ứng dụng gọi điện, nhắn tin trên nền tảng Internet, nhà mạng đã bị ảnh hưởng doanh thu đáng kể từ dịch vụ thoại, nhắn tin truyền thống. Và, tới thời điểm hiện tại các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có một thông báo nào về việc giảm cước từ chính sách nói trên (dù Thông tư 48 ra đời vào cuối tháng 12/2017).

Đọc thêm