Người ghi lại lịch sử dân tộc bằng âm nhạc

(PLO) - Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác rất nhanh, trong đó có những ca khúc đánh dấu một thời điểm lịch sử, một thời khắc thiêng liêng, một sự kiện trọng đại, một chiến dịch...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Vì thế, có người nói rằng các ca khúc của Phạm Tuyên là một biên niên sử bằng âm nhạc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng từng nhận xét: “Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với rất nhiều cung bậc”.

Theo dấu chân Người

Là nhạc sĩ cùng thế hệ với các nhạc sĩ Thuận Yến, Trần Chung, Cao Việt Bách..., Phạm Tuyên đã có rất nhiều ca khúc viết về Bác Hồ được công chúng yêu thích và thuộc nằm lòng.

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng” - dấu ấn tâm hồn của bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, Phạm Tuyên cho biết: “Ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tôi cũng có mặt ở đó. Khi đó tôi mới 21 tuổi, tôi đứng ở vỉa thềm của Bộ Ngoại giao, Bác Hồ đi xe qua, Bác vẫy tay với thiếu nhi bằng cả hai tay, tôi rớt nước mắt.

Tôi thấy ông cụ cao vời vợi, là Chủ tịch nước mà cụ vẫn yêu trẻ con đến thế. Đấy chính là cái đọng lịch sử trong tâm hồn tôi, cái đọng lịch sử cả đời người không phai nhạt. Thế là câu “Ai yêu nhi đồng hơn Bác Hồ Chí Minh” tự nhiên thoát ra như lời nói của con trẻ”.

Sau này, Phạm Tuyên được nghe Trần Duy Hưng kể lại rằng, khi nghe bài hát của ông, tả “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, Bác chúng em, mắt như sao, râu hơi dài”  thì Bác Hồ cười bảo: “Bác còn trẻ chứ Bác đã già đâu”.

“Bài hát của tôi được nhiều người thích nhưng điều làm tôi hạnh phúc nhất là Bác Hồ cũng thuộc và thích. Năm 1952, Bác Hồ trích lại câu hát trong bài hát của tôi, nhưng Bác chuyển từ “hơn” thành từ “bằng” và biến hai câu hát thành câu đối: “Ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng”. Câu đối này Bác treo ở chiến khu Việt Bắc, sau được đưa về treo ở Cung Thiếu nhi Hà Nội”, nhạc sĩ tự hào kể.

Năm 1955, Phạm Tuyên lại có dịp được gặp Bác Hồ khi đến thăm khu học xá Trung ương ở Quế Lâm (Trung Quốc). Đó là nguồn cảm xúc để ông viết ca khúc thiếu nhi “Em được nghe chuyện Bác Hồ” sau lần gặp ấy.

Nhân một chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc ở “thủ đô gió ngàn”, Phạm Tuyên viết “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”. Bài hát thể hiện tình cảm, tấm lòng của đồng bào các dân tộc nơi một thời là chiến khu, là căn cứ địa cách mạng đối với Bác.

Ở bài “Suối Lê nin” (thơ Trần Văn Loa), Phạm Tuyên sử dụng âm điệu hát then của người Tày để dựng lại hình tượng Bác Hồ với cuộc sống rất giản dị, chan hòa giữa thiên nhiên. Bài hát viết về dòng suối nhỏ, nơi “xưa Bác ngồi câu cá”, làm thơ, dịch sử đảng, và “Bác đặt tên cho suối”, “Bác uống nước dòng suối để thành máu nuôi tim... Mang mùa xuân về cho nước non...”.

Bài “Ngày thống nhất Bác đi thăm” được khởi nguồn từ di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ý muốn sau ngày hòa bình thống nhất Bác sẽ đi thăm miền Nam; là nguyện vọng đi thăm mọi miền đất nước mà Bác ấp ủ suốt đời nhưng chưa thực hiện được.

Đến khi Bác vĩnh viễn ra đi, cảm xúc tiếc thương trào dâng chất ngất, Phạm Tuyên đã viết: “Từ Làng Sen, có một người trai chí lớn, mang lý tưởng cách mạng, giải phóng quê hương. Ra đi tìm khắp bốn phương, đường đi cho cả dân tộc, dặm trường mà xông pha...” (lời ca khúc “Từ làng Sen”).

Cho tới trưa 30/4/1975, khi Sài Gòn được giải phóng, Phạm Tuyên vẫn luôn nghĩ rằng, chính giây phút thiêng liêng này của dân tộc, Bác vẫn hiện diện giữa triệu triệu con tim. Ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã được ông viết rất nhanh và ngay lập tức được thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi được phát vào lúc 17h ngày 30/4/1975, cùng thông báo với toàn thế giới tin Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất sau 30 năm kiên cường đấu tranh.

Tình cảm của Phạm Tuyên với bác Hồ còn được tái hiện dạt dào qua ca khúc “Thành phố mười mùa hoa” (thơ Lệ Bình), nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, khi Sài Gòn đã có 10 năm mang tên thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Tuyên tâm sự: “Khi viết về Bác Hồ, tôi không viết theo lối ngợi ca một vị lãnh tụ cao siêu, cách xa vời vợi đối với dân chúng mà muốn nói lên những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh”.

Nhạc sĩ của tuổi thơ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: “Phạm Tuyên là một đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ và sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ”.

Quả thực, trong khi có rất ít nhạc sĩ dành tâm huyết cho mảng âm nhạc thiếu nhi thì Phạm Tuyên vẫn luôn dành nhiều ưu ái cho đối tượng này. Trong đó, nhiều bài hát của ông đã “vượt biên giới”, được nhiều nước dịch lại.

Cái duyên của ông với nhạc thiếu nhi có từ những năm ông 20 tuổi, những ngày ở chiến khu Việt Bắc ông đã viết: “Lớp học ở rừng”, “Em vào thiếu sinh quân”, “Tiến lên đoàn viên”, “Chiếc đèn ông sao”... Ông cho rằng, âm nhạc cho người lớn hay cho thiếu nhi về nghệ thuật đều bình đẳng. Chỉ có sự bình đẳng trong nghệ thuật mới giúp cho các tác phẩm sống mãi với thời gian và sống trong lòng công chúng.

Vì vậy, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, người ta vẫn thấy hai bài hát “Tiến lên đoàn viên” và “Chiếc đèn ông sao” với những tình cảm tươi vui, trong sáng còn vang mãi đến tận bây giờ.

Rất nhiều địa phương mà nhạc sĩ của bài hát “Chiếc đèn ông sao” nổi tiếng đến, ông đều có quà là những khúc ca xinh xắn cho thiếu nhi, Khánh Hòa có “Tên em là Nha Trang”, Hải Phòng có “Bài ca măng non nơi đất cảng”, “Khăn quàng đỏ bên sông Hàn” cho thiếu nhi Đà Nẵng... Nổi tiếng và được yêu mến nhất là bài hát cho thiếu nhi Đắk Lắk – “Chú voi con ở Bản Đôn”.

Năm 1983, ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế ở Đắk Lắk. Cán bộ tỉnh giới thiệu Buôn Đôn - nơi có truyền thống thuần dưỡng voi, đến khi ba nhạc sĩ lên Buôn Đôn, đàn voi lớn đi rừng làm việc hết, đi quanh bản chỉ toàn là voi con.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên dí dỏm: “Không có voi to thì viết về voi con vậy”, ai cũng ngỡ ông đùa, nhưng đến tối, ông mang “Chú voi con ở Bản Đôn” ra dạy cho các em thiếu nhi, giai điệu âm nhạc Êđê thân thuộc cùng với ca từ ngộ nghĩnh, đáng yêu đã chiếm trọn trái tim của cả trẻ em lẫn người lớn Buôn Đôn. “Chú voi con ở Bản Đôn” nhanh chóng trở thành biểu tượng của Đắk Lắk.

“Ngày bạn tôi từ Buôn Đôn ra bảo: Chú voi con năm nào anh viết giờ đã 20 tuổi rồi đấy”, Phạm Tuyên nhớ lại.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa được Phạm Tuyên chia sẻ: Hồi ấy, ông có cô con gái học ở Trường Mầm non Thợ Nhuộm. Một hôm, cô giáo biết bố cô bé là nhạc sĩ nên xúi về bảo bố viết về ngôi trường mà cháu theo học. Con gái về “dọa” yêu rằng: nếu bố Phạm Tuyên không viết thì con không đi học đâu. Và thế là ca khúc “Trường chúng cháu là trường mầm non” ra đời.

Không lâu sau, ca khúc này lan rộng trong Nam, ngoài Bắc và nhiều nơi các em còn cải biên lại theo ước muốn dễ thương của mình như “Trường của cháu đây là trường Sao Mai”, hay “Trường của cháu đây là trường Tuổi Thần Tiên”…

“Nếu chúng ta không quan tâm đến đối tượng trẻ em thì sẽ có sự xâm lăng về văn hoá. Tôi rất buồn khi biết có một đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam, sau khi xem một tiết mục biểu diễn âm nhạc của ta, họ đã nhận xét là giống ở nước họ quá! Chất lượng về âm nhạc ở ta đang bị nhạt nhoà, nhiều khi cái nhìn át cái nghe.

Trách cơ quan quản lý một phần nhưng cái này cũng có lỗi của truyền thông. Ngay cả trên các phương tiện truyền hình, phát thanh... cũng phát nhiều bài chất lượng rất kém vào những thời gian được gọi là “giờ vàng”. Bức tranh về âm nhạc của chúng ta giờ phong phú nhưng phức tạp quá”, Phạm Tuyên trăn trở.

Vẫn “gửi nắng cho em”

Trong cuộc đời sáng tác của mình, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2012 và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Đằng sau những thành tựu quý giá đó là sự chung sức và hy sinh của người bạn đời yêu quý của ông- PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết. 

Giọng trầm buồn, người nhạc sĩ đáng kính rưng rưng: “Vào đầu năm 2007, tôi và bà nhà đã tổ chức “đám cưới vàng”, kỷ niệm nửa thế kỷ chung sống, vậy mà… Lựa một sớm hè tháng 5 năm 2009, bà nhà tôi đi xa. Mất mát lớn nhất trong cuộc đời tôi chính là sự ra đi của bà ấy”.

Lúc còn sống, bà là một chỗ dựa rất quan trọng của ông. Ông không giấu vẻ tự hào khi nhắc về vợ mình - PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết: “Thường thường, lên danh mục các chương trình là bà nhà tôi làm. Thậm chí, bà còn nhớ các sáng tác của tôi hơn chính tôi. Cả sự nghiệp âm nhạc viết cho thiếu nhi tôi phải nhờ ơn bà nhà tôi”.

Phạm Tuyên bảo, thẩm định của bà Tuyết rất chính xác. Có những bài nghe xong bà nói với ông: “Bài này cũng được nhưng chắc là không phổ biến mấy”. Có những bài vừa nghe bà vừa nói: “Bài này được, hát được”. Ông khiêm tốn nhận “ăn theo” vợ, nhưng có lẽ ngoài điều đó, ngoài tình yêu đối với thiếu nhi, chỉ người mang tâm hồn nhân hậu, tươi trẻ như ông mới có được cái nhìn trẻ thơ hồn nhiên, đáng yêu đến thế.

Sau khi đưa tôi đến ban thờ thắp hương cho người vợ quá cố, Phạm Tuyên kể, những năm tháng tuổi trẻ, ông hay đi công tác vắng nhà. Suốt thời kỳ chống Mỹ ông đi vào tuyến lửa. Có những lúc ông tưởng mình đã nằm lại ở Trường Sơn đường mòn hay dưới những trận bom B52 bão lửa. Trên những chặng đường hành quân, lòng người nghệ sĩ, chiến sĩ, người chồng, người cha ấy vẫn luôn canh cánh muốn gửi biết bao tình cảm về cho gia đình.

Khi miền Nam vừa giải phóng, đất nước vừa thống nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại tiếp tục đi miết mấy tháng liền cho tới tận mũi Cà Mau, địa đầu Tổ quốc. Trong chuyến đi dài ngày ấy, ông bắt gặp một tứ ở trong bài thơ của người chiến sĩ giải phóng quân miền Bắc, khiến ông nhớ tới vợ cùng hai cô con gái đang ở Hà Nội giữa lúc Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin gió mùa đông bắc tràn về. Xúc cảm, trong tình cảm của đất nước hòa chung với tình cảm riêng tư, từng giai điệu nhạc vang lên, ca khúc “Gửi nắng cho em” ra đời với những lời ca lắng đọng, da diết…

Hơn 7 năm trôi qua kể từ ngày bà Tuyết hóa thân vào nắng vàng, mây trắng chia tay ông và các con, các cháu để đi xa mãi mãi. Và, trong căn hộ nhỏ ở tầng 3 của khu tập thể cũ kỹ trên phố Vạn Bảo, nơi Phạm Tuyên đang sinh sống, phòng nào trong căn hộ bé nhỏ này cũng có một ô cửa sổ rộng ghé ra ban công đón nắng...