Nhiều thế hệ đã có mặt trong cùng một khán phòng để được trò chuyện với chính thi sỹ họ Lê về những tác phẩm “đóng ghim” vào lòng độc giả từ nhiều thập kỷ trước đến nay. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Khúc Thụy Du, Ai nhớ ngàn năm một ngón tay, Quê hương là người đó, Trên ngọn tình sầu… một lần nữa cất lên đầy xúc động qua những giai điệu của nhạc sỹ Anh Bằng, Từ Công Phụng…
Ca sỹ thể hiện bài Khúc thụy du phổ thơ Du Tử Lê |
Trước nhiều câu hỏi tò mò về những nàng thơ đi qua cuộc đời người thi sỹ đa cảm Du Tử Lê, Nhà thơ đã có chia sẻ chân thực rằng: “Tôi đã trải qua nhiều cuộc tình, rất nhiều khổ đau, rất nhiều đổ vỡ và tôi phải cảm ơn Huế vì đã cho tôi một người bạn đời, một người bạn đường không thể tuyệt vời hơn là vợ tôi… Phải nói thêm rằng, để làm thơ thì không phải ngồi đếm bao nhiêu nàng thơ, bao nhiêu cuộc tình mà phải tính bằng những khổ đau trong cuộc tình đó. Mà khổ đau thì ai cũng muốn quên đi”.
Những khổ đau mà nhà thơ muốn quên là những điều khiến bạn đọc luôn nhớ mãi về ông. Đó là khổ đau sau những lần biệt ly với người yêu, với quê hương, những giằng xé trước cái chết khi phải đối diện đấu tranh với bệnh tật…
Nhà thơ giao lưu với người hâm mộ |
Cũng tại buổi giao lưu thân mật này, chàng rể xứ Huế - người nghệ sỹ tài hoa Du Tử Lê bày tỏ, bên cạnh những tác phẩm được công nhận ông cũng có những tác phẩm, những câu từ sáng tạo còn gây tranh cãi mà ông muốn nói để bạn đọc hiểu ông hơn. Do đó, ông đã dành thời gian giải thích ý nghĩa cách sử dụng từ, cách ngắt câu về các câu thơ ý nghĩa “kinh điển” như: “Nhớ ai buồn ngất trên vai áo” trong bài thơ K. Khúc riêng chàng, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” hay truyện ngắn “tôi và mẹ và em là một nhà”.
Đông đảo người yêu thơ trên cả nước về Huế để giao lưu với Nhà thơ |
Những bằng hữu cùng thời gắn bó của ông như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Bửu Ý đều xúc động sau hơn 30 năm gặp lại Du Tử Lê.
Nhà văn Bửu Ý nói rằng: “Đây là một không gian sang trọng. Một không gian không phải sang trọng vì có những thứ đắt tiền, mà ở không gian này đang ngưng lại, dồn lại biết bao kỷ niệm, bao con người bạn bè, người quen qua Du Tử Lê. Sang trọng bởi có những người yêu văn chương cùng ngồi lại. Một không gian mà tôi được gặp lại những người làm văn nghệ một thời chỉ hùng hục viết, hùng hục gặp gỡ mà không thấy khổ, dẫu có lúc cơm cũng không có ăn”.
Nhà thơ đang sinh sống tại miền nam California (Mỹ) và tiếp tục nghề viết. Cuộc hội ngộ với nhà thơ là cơ hội hiếm hoi của bạn đọc yêu thơ ông và để nhà thơ có dịp trở về "cái nôi" đong đầy kỷ niệm cuộc đời, tình yêu và tình bạn